Chúng ta đang dần tập làm quen với những tiếp cận hoàn toàn mới mẻ trong khoảng 02 thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Đó là câu chuyện về một kỷ nguyên siêu thông minh 5.0 cùng sự phát triển không ngừng của những công nghệ ấn tượng: trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây và các công nghệ tiên tiến khác sẽ được tạo ra. Vượt qua ranh giới của một lĩnh vực, Máy tính và Công nghệ giờ đây trở thành điểm giao thoa chung của nhiều lĩnh vực, và dần trở thành “nguồn cảm hứng” đằng sau cụm từ “hiệu quả” trong Kinh doanh, Kinh tế, Luật, Quản lý, Thiết kế,… Không chỉ là khoa học kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ giờ đây là cần được nhấn mạnh từ góc nhìn “khoa học ứng dụng”.
Tính ứng dụng của Máy tính, Công nghệ ngày nay
Vốn được biết đến với cái tên Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, hay Công nghệ kỹ thuật máy tính; Máy tính, Công nghệ từ lâu đã được hiểu là những ngành thuộc lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, đặc biệt dành cho những cá nhân theo thiên hướng khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, hiểu biết này dần trở nên rộng mở hơn trong kỷ nguyên 4.0 và kỷ nguyên Siêu Thông Minh 5.0 sắp tới, khi đích đến cuối cùng của những tiến bộ khoa học công nghệ tập trung xoay quanh việc phục vụ cho con người và chất lượng cuộc sống, xã hội.
Theo đó, thay vì tồn tại độc lập trong một tổ chức, và dừng lại ở mức độ “chỉ tham gia khi có yêu cầu”, các nhân sự Máy tính, Công nghệ ứng dụng xuất hiện và trở nên cần thiết ở khả năng vừa hiểu biết tính ứng dụng của công nghệ, vừa hiểu nghiệp vụ kinh doanh. Đội ngũ này chính là “cái gạch nối” cần thiết, xóa đi khoảng cách giữa các nhóm nghiệp vụ kinh doanh và nhóm kỹ thuật vốn tồn tại ở những mô hình quản trị truyền thống, đóng góp làm gia tăng chuỗi giá trị của một tổ chức, tối ưu nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực và thời gian. Hình dưới đây thể hiện mối quan hệ tương tác giữa các nhân sự Máy tính, Công nghệ trong một tổ chức.
Hình. Các nhân sự Máy tính, Công nghệ ứng dụng chính là “chiếc gạch nối”, xóa đi khoảng cách giữa các nhóm nghiệp vụ kinh doanh và nhóm kỹ thuật
Khi Máy tính, Công nghệ và Kinh tế, Luật, Quản lý nhà nước kết đôi
Những ứng dụng linh hoạt khác nhau của Máy tính và Công nghệ đã tạo nên xu hướng liên kết các ngành (liên ngành) và ứng dụng tương tác qua lại (xuyên ngành) giữa các lĩnh vực Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước. Xu hướng này được minh chứng rõ qua các ứng dụng công nghệ hàng ngày tại khu vực công lẫn khu vực tư, từ sự thay đổi, cải cách quy trình quản lý nhà nước, đến sự tiến bộ, tinh gọn, mức độ chính xác, bảo mật trong việc quản lý dữ liệu, phân tích xu hướng thị trường…Thúc đẩy nhanh chóng quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực.
Kết hợp Công nghệ trong lĩnh vực quản lý công, quản lý nhà nước: chúng ta đã dần quen với các cụm từ như “chính phủ điện tử”, “chuyển đổi số toàn diện bộ máy quản lý nhà nước” trong thời gian gần đây. Chính phủ điện tử là một hình thức cải cách hành chính, trong đó các cơ quan nhà nước ứng dụng Công nghệ, Máy tính để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp, giúp việc tiếp cận các dịch vụ công trở nên thuận tiện, minh bạch và giản đơn hơn. Trong khi đó, chuyển đổi số toàn diện bộ máy quản lý nhà nước đề cập đến việc ứng dụng máy tính, công nghệ và các phần mềm quản lý vào các hoạt động quản lý tài chính, quản lý hồ sơ dữ liệu, quản lý con người,…
Kết hợp công nghệ trong Luật (Legaltech): Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Gartner, tỷ lệ ngân sách chi cho Công nghệ trong lĩnh vực Luật, Pháp lý sẽ tăng mạnh vào năm 2025. Điều này đồng nghĩa, các đơn vị trong lĩnh vực Luật, pháp lý sẽ khai thác triệt để thế mạnh của công nghệ thông tin để cải thiện cách tiếp cận thông tin về pháp luật; giúp người dân, doanh nghiệp và xã hội sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa; kết nối, chia sẻ thông tin trong phổ biến giáo dục pháp luật; bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời. Bên cạnh đó, cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối khách hàng với luật sư, công cụ để người tiêu dùng và doanh nghiệp tự mình hoàn tất các vấn đề pháp lý mà không cần đến luật sư, phân tích dữ liệu và hợp đồng, tối ưu hóa nghiệp vụ pháp lý.
Kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao (Agritech): Tại Việt Nam, các công nghệ số giúp người nông dân quản lý các điều kiện sinh trưởng của cây trồng và vật nuôi tương đối đa dạng. Công nghệ được áp dụng nhiều nhất là Internet of Things (IoTs) bao gồm hệ thống thiết bị máy móc được gắn cảm biến và kết nối internet, thường được ứng dụng kết hợp với hệ thống nhà lưới, nhà kính, nhà màng để kiểm soát chất lượng nông sản. Công nghệ IoT còn được sử dụng trong việc giám sát chăn nuôi. Ví dụ điển hình như trang trại bò sữa Vinamilk đã được chứng nhận là trang trại hữu cơ theo chuẩn Châu Âu. Sử dụng máy bay không người lái cũng là một ứng dụng của công nghệ IoTs vào nông nghiệp.
Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, tiếp cận Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành gắn kết với Công nghệ
Sự kết nối của Máy tính và Công nghệ đã mang đến các chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH ngày càng tiệm cận với nhu cầu thực tế các tổ chức khu vực công lẫn khu vực tư, phù hợp với những xu hướng mới của kỷ nguyên số 4.0 và kỷ nguyên siêu thông minh 5.0.
Ranh giới giữa các ngành học giờ đây trở nên mờ hơn và đề cao những vùng giao thoa để tăng tính ứng dụng với tiếp cận Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành, theo 2 góc độ: (1) trang bị cho người học những hiểu biết nghiệp vụ lĩnh vực chuyên môn trong mối quan hệ, tương tác với các lĩnh vực khác; (2) am hiểu những cơ hội tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nội tại lĩnh vực đó. Do đó, tiếp cận và xây dựng kiến thức chuyên môn theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, đặc biệt là mối tương quan của một lĩnh vực với Máy tính, Công nghệ chính là nền tảng cho “năng lực làm chủ công nghệ” của thế hệ nhân sự thời kỳ 5.0…
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo hiện hữu như: Kinh tế, Kinh tế đầu tư, Bất động sản, Quản trị Nhân lực, Thẩm định giá và quản trị tài sản, Kinh doanh nông nghiệp… cũng không ngừng chuyển động, cập nhật những kiến thức mới về máy tính, công nghệ như: Hệ thống HRMS – Human resource management system trong Quản trị nhân lực, thực hành thể hiện trực quan dữ liệu và hệ thống thông tin địa lý trong Thẩm định giá và quản trị tài sản, kỹ thuật lập trình với Stata và Python trong Kinh tế đầu tư, Marketing kỹ thuật số trong ngành Bất động sản, hiểu công nghệ để áp dụng nâng cao năng suất nông sản,…
Máy tính và Công nghệ không đi một mình trong thời đại ngày nay. Nó cần sự hợp tác, kết nối và tương tác với các lĩnh vực khác nhau để tạo ra những giải pháp đột phá và thúc đẩy sự tiến bộ về Khoa học kỹ thuật và Đổi mới sáng tạo. Kỷ nguyên siêu thông minh 5.0 đòi hỏi chúng ta phải nhìn xa hơn, liên kết Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành để cùng giải quyết các vấn đề đang nảy sinh hàng ngày trong cuộc sống, doanh nghiệp, và xã hội. Gen Z đã sẵn sàng trở thành nguồn nhân lực của kỷ nguyên này?
Đây là bài viết nằm trong Series “Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình”, cùng chờ đón bài viết chính tiếp theo với chủ đề Máy tính và Công nghệ “Không đi một mình” (Phần 3): Khi Máy tính, Công nghệ và Thiết kế, Truyền thông kết đôi.
Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.
Nguồn tham khảo: