Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

[Giaoduc.Net] Có phải học ngành Bảo hiểm ra trường chỉ đi làm tư vấn bảo hiểm?

[Giaoduc.net] Hiện nhiều người chưa nhận thức đúng về ngành Bảo hiểm. Sự sa sút lòng tin của người dân với bảo hiểm cũng là trở ngại cho tuyển sinh, đào tạo ngành này” Trong những năm gần đây, một số cơ sở giáo dục đại học đã mở ngành đào tạo Bảo hiểm để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Thế nhưng thực tế, nhiều người chưa hiểu rõ học ngành Bảo hiểm ra trường sẽ làm công việc gì, hay chỉ đơn thuần là làm tư vấn bảo hiểm.

Học Bảo hiểm là học gì, làm gì?

Chương trình đào tạo Bảo hiểm tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) trang bị cho người học kiến thức nền tảng, hiện đại và chuyên sâu về bảo hiểm nhằm phục vụ cho mục tiêu hoạch định, tổ chức, quản lý các hoạt động của các định chế tài chính – bảo hiểm hoặc các hoạt động liên quan đến chức năng quản trị rủi ro, đảm bảo bảo hiểm và hoạch định tài chính cho các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế – xã hội.

Cử nhân tốt nghiệp ngành bảo hiểm là những người thực học – thực tài, có kiến thức vừa rộng vừa sâu về mặt học thuật, lĩnh hội các kỹ năng công nghệ thông tin cần thiết, có khả năng làm việc độc lập và hợp tác, làm việc dưới áp lực cao để có thể đáp ứng linh hoạt các yêu cầu ngày càng khắt khe và đa dạng của một nền kinh tế nói chung, của thị trường bảo hiểm nói riêng đang phát triển nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Người học sau khi tốt nghiệp cũng sẽ có sự am hiểu sâu sắc về kiến thức pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm, thể hiện đạo đức nghề nghiệp, khả năng làm việc chuyên nghiệp, khả năng tự học và mong muốn học tập suốt đời.

Hiện nay, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình học song ngành tích hợp Bảo hiểm – Tài chính. Sinh viên có thể học cùng lúc hai chương trình bằng việc đăng ký học thêm các học phần của một chương trình đào tạo thứ hai ngoài chương trình đào tạo thứ nhất.

Theo tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo bảo hiểm có thể đảm nhận các vị trí như nhân viên kinh doanh, nhân viên kế toán, nhân viên đầu tư, nhân viên nghiên cứu phát triển sản phẩm, nhân viên quản lý, đại lý hay nhân viên cung cấp các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Tại các ngân hàng thương mại, sinh viên có thể đảm nhận ở các bộ phận kinh doanh, Bancassurance (kênh phân phối các sản phẩm bảo hiểm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng của ngân hàng), các bộ phận phát triển mạng lưới và quản lý hỗ trợ đại lý trong các ngân hàng thương mại.

Tại các cơ quan quản lý như Cục quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính hoặc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam,… sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận công việc liên quan đến quản lý nhà nước về bảo hiểm, hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm.

Còn nếu làm việc tại các cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các em có thể thực hiện các công việc quản lý thu bảo hiểm, giải quyết chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, cử nhân chuyên ngành Tài chính bảo hiểm có thể làm các công việc về nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Làm việc ở vị trí nào là phụ thuộc vào năng lực và sở thích của sinh viên, cũng như sự phân công từ phía cơ quan, doanh nghiệp.

Nếu đứng từ góc độ của nền kinh tế thì ngành bảo hiểm chính là “đường băng” cho nền kinh tế. Đây là đường băng cất cánh nhưng cũng là đường băng hạ cánh khi có vấn đề.

Ngành Bảo hiểm thuộc về khối ngành Kinh tế nên sinh viên khi theo học ngành này sẽ được trang bị những kiến thức chung của ngành Kinh tế, sau đó là kiến thức ngành và kiến thức chuyên ngành về Bảo hiểm.

Học bảo hiểm không phải chỉ làm tư vấn bảo hiểm

Anh Phan Long Lâm – cựu sinh viên khóa 31, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang làm Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội – Chi nhánh Bình Thạnh chia sẻ: “Học bảo hiểm có thể làm được tài chính, ngân hàng chứ không riêng gì bảo hiểm”.

Theo anh Lâm, khó khăn khi chuyển ngành từ bảo hiểm sang ngân hàng cũng có, tuy nhiên những kinh nghiệm làm về bảo hiểm cho anh sự tự tin, thích ứng nhanh với ngành ngân hàng. Tròn 1 năm công tác tại ngân hàng, anh đã được làm cán bộ quản lý.

“Công việc đòi hỏi chúng ta trang bị những kỹ năng cần thiết. Học và vận dụng kiến thức vào thực tế, đi làm vẫn không ngừng học hỏi mới quyết định sự thành công của bạn, cho dù ở bất cứ ngành nghề nào”, anh Lâm chia sẻ thêm.

Còn đối với anh Hứa Hùng Vỹ – cựu sinh viên khóa 42, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ tại Công ty bảo hiểm Bảo Minh – Chi nhánh Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng, sinh viên cần thực tập và làm việc từ sớm để có trải nghiệm cho bản thân.

Mức lương thử việc ban đầu anh được nhận là 6.500.000 đồng/tháng. Thu nhập sẽ gồm lương, thưởng, công tác phí, cơm trưa và một số phúc lợi khác. Khi được ký hợp đồng chính thức thì lương bình quân khoảng trên dưới 15 triệu đồng/tháng.

“Khi đi làm sớm, sinh viên sẽ nắm bắt công việc sớm, hiểu ngành nghề hơn, việc thăng tiến, thu nhập cũng dễ dàng và nhanh hơn trong tương lai. Đây cũng là lợi thế của tôi khi mới ra trường. Tôi thực tập sớm, đi làm sớm nên khi mới ra trường, tôi đã trở thành nhân viên chính thức”, anh Vỹ nói.

Chủ động tiếp cận thị trường lao động từ sớm

Cùng quan điểm, Thạc sĩ Lê Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Giám đốc Vùng 5 – Tây Nguyên, kiêm Giám đốc Sở Giao dịch Bảo Long thuộc Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bảo Long cho rằng, sinh viên nên chủ động tìm kiếm cơ hội thực tập và làm việc ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

“Trong thời gian thực tập hay vừa học vừa làm tại đơn vị liên quan đến ngành Bảo hiểm, các sinh viên có thể xác định định hướng, lộ trình phát triển cho bản thân, xem bản thân có thực sự yêu thích ngành học, năng lực của bản thân đến đâu và gắn bó được với công việc ngành Bảo hiểm hay không.

Các đơn vị ngành bảo hiểm luôn “rộng cửa” để tiếp nhận sinh viên thực tập. Họ nhìn vào quá trình thực tập để biết được năng lực và mức độ phù hợp của sinh viên đối với đơn vị, để quyết định giữ sinh viên lại làm việc khi sinh viên tốt nghiệp.

Nhân sự trong các công ty bảo hiểm đang thiếu, quan trọng là những người ứng tuyển có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không? Ngoài năng lực các bạn cần có sự nhiệt huyết, ngoài kỹ năng các bạn cần có sự đam mê”, bà Hằng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc công ty thành viên của Tổng công ty bảo hiểm BIDV nhận định: “Ngành Bảo hiểm rất rộng, cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy các bạn đã, đang và chuẩn bị theo học ngành Bảo hiểm an tâm lựa chọn, không lo lỗi thời vì nhân sự chất lượng cao ngành Bảo hiểm hiện tại vẫn đang thiếu hụt nhiều”.

Xem toàn bộ Phiên tư vấn về ngành Bảo hiểm UEH tại đây

Nguồn: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG NGHIỆP

SỰ KIỆN TUYỂN SINH