1. Chỉ tiêu, hình thức, đối tượng tuyển sinh
1.1. Chỉ tiêu tuyển sinh: 940 chỉ tiêu.
1.2. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển dựa trên thông tin học bạ THPT, hoặc kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
1.3. Đối tượng tuyển sinh: xét tuyển thí sinh dự tuyển thuộc các đối tượng sau:
1.3.1. Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hoặc bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương.
1.3.1.1. Xét tuyển: theo 4 tổ hợp, gồm:
- A00 (Toán, Lý, Hóa)
- A01 (Toán, Lý, Anh)
- D01 (Toán, Văn, Anh)
- D07 (Toán, Hóa, Anh)
Điểm chấp nhận hồ sơ (điểm sàn): 12 điểm.
Có 2 hình thức xét tuyển như sau:
1.3.1.1.1. Xét tuyển theo học bạ
– Xét tổng điểm trung bình 3 môn học của cả năm học lớp 12;
– Tổ hợp xét tuyển và điểm sàn theo mục 1.3.1.1
1.3.1.1.2. Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia
– Thí sinh đã tốt nghiệp THPT kể từ năm 2015 đến nay
– Tổ hợp xét tuyển và điểm sàn theo mục 1.3.1.1
1.3.1.2. Nguyên tắc xét trúng tuyển
– Thí sinh chọn một trong các tổ hợp trên để đăng ký xét tuyển, áp dụng cho tất cả các chương trình đào tạo tuyển sinh;
– Điểm xét tuyển = Tổng của điểm tổ hợp xét tuyển + điểm ưu tiên (nếu có);
– Xét trúng tuyển theo điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Lưu ý:
– Thí sinh mất học bạ liên hệ Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bản xác nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc liên hệ trường THPT để cấp bảng điểm lớp 12 thay học bạ.
– Thí sinh mất bằng THPT liên hệ Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bản sao từ sổ gốc Bằng tốt nghiệp THPT. Do bản sao không thể sao y bản chính nên thí sinh cần yêu cầu cấp 02 (hai) bản để nộp.
1.3.1.3. Điểm ưu tiên
– Thí sinh xem Phụ lục 01b
– Tất cả diện ưu tiên phải có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền và nộp cùng hồ sơ tuyển sinh. Các trường hợp nộp bổ túc hồ sơ sau tuyển sinh đều không có giá trị để xét diện ưu tiên.
1.3.2. Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp Trung cấp và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định, xét tuyển theo kết quả các môn kiến thức văn hóa thuộc một trong các tổ hợp tại mục 1.3.1.1.
1.3.3. Thí sinh đã có bằng tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng/Cao đẳng nghề, Trung cấp/Trung cấp nghề.
– Thí sinh đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng/Cao đẳng nghề, Trung cấp/Trung cấp nghề sử dụng bằng tốt nghiệp THPT (hoặc bổ túc THPT/Trung cấp) và học bạ (hoặc bảng điểm Trung cấp có đủ các môn kiến thức văn hóa) để nộp hồ sơ dự tuyển vào hệ Văn bằng 1 như đối tượng 1.3.1 (hoặc 1.3.2), chương trình đào tạo với khối lượng kiến thức toàn khóa từ 120 đến 125 tín chỉ; UEH sẽ xét miễn trừ khối lượng kiến thức thí sinh đã học ở trình độ Đại học/Cao đẳng/Trung cấp và đào tạo bổ sung phần kiến thức còn lại dựa trên văn bằng và bảng điểm ở trình độ Đại học/Cao đẳng/Trung cấp nộp kèm theo hồ sơ tuyển sinh trên cơ sở đối sánh 01 (một) chuẩn chung với chương trình đào tạo đại học chính quy của UEH. Do đó, số lượng tín chỉ mỗi thí sinh cần học sẽ khác nhau tùy thuộc vào bảng điểm của thí sinh đã học ở trình độ Đại học/Cao đẳng/Trung cấp.
– Thí sinh đăng ký tư vấn chương trình học tại: doisoat.ueh.edu.vn
– Trường hợp cần trao đổi thêm thông tin, thí sinh vui lòng phản hồi theo email: tuyendnb@ueh.edu.vn
2. Các chương trình đào tạo tuyển sinh
TT | Chương trình đào tạo | Ngành | Mã | Chỉ tiêu |
1 | – Quản trị bệnh viện | Quản trị kinh doanh | 7340101 | 200 |
2 | – Quản trị | |||
3 | – Kinh doanh quốc tế | Kinh doanh quốc tế | 7340120 | 90 |
4 | – Marketing | Marketing | 7340115 | 100 |
5 | – Tài chính | Tài chính – Ngân hàng | 7340201 | 200 |
6 | – Ngân hàng | |||
7 | – Quản trị Hải quan – Ngoại thương | |||
8 | – Thuế | |||
9 | – Kế toán doanh nghiệp | Kế toán | 7340301 | 150 |
10 | – Quản trị nhân lực | Quản trị nhân lực | 7340404 | 60 |
11 | – Thương mại điện tử | Thương mại điện tử | 7340122 | 35 |
12 | – Tiếng Anh thương mại | Ngôn ngữ Anh | 7220201 | 45 |
13 | – Luật kinh tế | Luật kinh tế | 7380107 | 30 |
14 | – Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng | Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng | 7510605 | 30 |
– Chương trình đào tạo: từ 120-125 tín chỉ, kéo dài khoảng 4 năm bao gồm cả thực tập và thực hiện Khóa luận tốt nghiệp (trong thời gian đào tạo, sinh viên phải hoàn thành chuẩn đầu ra theo quy định). Thí sinh tham khảo chương trình đào tạo tại: https://tuyensinh.ueh.edu.vn/vua-lam-vua-hoc/van-bang-1/ . Các trường hợp được xét miễn trừ khối lượng học tập sẽ có thời gian đào tạo ít hơn tùy vào trường hợp xét cụ thể;
– Trường hợp chương trình đào tạo thí sinh đăng ký không đủ số lượng trúng tuyển theo quy định để mở lớp, thí sinh sẽ được chọn một trong các hình thức sau:
+ Nhận lại lệ phí xét tuyển đã đóng khi đăng ký;
+ Đăng ký xét chuyển chương trình đào tạo khác (có mở lớp).
– Đăng ký xét tuyển theo đối tượng ở Bước 3 tại link: https://xettuyen.ueh.edu.vn/
3. Thực hiện thủ tục xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học (sau khi có thông báo trúng tuyển)
Xem hướng dẫn tại links https://nhaphoc.ueh.edu.vn/ hoặc http://daotao.ueh.edu.vn/
Hồ sơ gồm có:
- Bản chính Phiếu thông tin sinh viên Văn bằng 1 Đại học Vừa làm vừa học (In phiếu tại hệ thống đăng ký hồ sơ xét tuyển, ký tên, dán ảnh chân dung 3×4 và xác nhận tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền);
- Bản sao Bằng tốt nghiệp THPT/Bổ túc THPT/Trung cấp hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời còn trong thời hạn quy định;
- Bản sao Học bạ THPT/Giấy chứng nhận kết quả học THPT/Trung cấp;
- Bản sao (Bản trích lục) Giấy khai sinh;
- Bản sao CCCD/Thẻ căn cước;
- 01 (một) ảnh 3x4cm chụp theo kiểu CCCD (phía sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày sinh).
– Trường hợp thí sinh đã tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng/Cao đẳng nghề, Trung cấp/Trung cấp nghề: Bổ sung bản sao bằng Tốt nghiệp và bản sao Giấy chứng nhận kết quả học tập bậc Đại học/Cao đẳng/Trung cấp; Trường hợp thí sinh tốt nghiệp Đại học do liên thông từ Cao đẳng/Trung cấp: Bổ sung bản sao bằng tốt nghiệp và bản sao Giấy chứng nhận kết quả học tập bậc Cao đẳng/Trung cấp; Trường hợp thí sinh tốt nghiệp Đại học/Cao đẳng do liên thông từ Cao đẳng/Trung cấp nộp thêm bản sao bằng Tốt nghiệp và bản sao Giấy chứng nhận kết quả học tập bậc Cao đẳng/Trung cấp;
– Trường hợp thí sinh tốt nghiệp Đại học do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải nộp bản sao Văn bằng và bản sao Giấy chứng nhận kết quả học tập bằng tiếng Việt, kèm Giấy công nhận văn bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Lưu ý: Giấy tờ Bản sao phải có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bản sao còn gọi là bản photo có công chứng.
– Hình thức nộp hồ sơ: Nộp trực tiếp tại UEH trong giờ làm việc (Sáng: 07g30 – 11g00; Chiều: 13g30 – 16g00;
4. Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý
STT | Nội dung | Thời gian |
1 | Đăng ký hồ sơ xét tuyển | Từ ngày ra thông báo đến 06/3/2025 |
2 | Đóng lệ phí xét tuyển | Hạn chót đến hết ngày 06/3/2025 |
3 | Thông báo kết quả xét tuyển | Dự kiến 16g30 ngày 21/3/2025 |
4 | Thực hiện thủ tục xác nhận nhập học và nộp hồ sơ nhập học | 27/3/2025 – 28/3/2025 |
5 | Thời gian bắt đầu học chính thức | Dự kiến tháng 4/2025 |
——————————————————————–
PHỤ LỤC 01b
ĐỐI TƯỢNG ƯU TIÊN TRONG TUYỂN SINH TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC
HÌNH THỨC VỪA LÀM VỪA HỌC
1. Các đối tượng được xét tuyển thẳng:
- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyển thẳng vào các ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo do UEH quy định.
- Thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế, do Bộ GDĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, cử tham gia, được xét tuyển thẳng trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc tốt nghiệp trung cấp) vào các ngành phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; cụ thể các trường hợp sau: thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GDĐT tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng.
- Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ kết quả học tập cấp THPT của thí sinh và yêu cầu của ngành đào tạo xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp quy định dưới đây:
a) Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, có khả năng theo học một số ngành nhưng không có khả năng dự tuyển theo phương thức tuyển sinh bình thường: Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh, tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học;
b) Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ: điều kiện nộp đơn xét tuyển thẳng vào trường là kết quả học sinh Giỏi các năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Thí sinh phải học bổ sung kiến thức 01 (một) năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quy định.
c) Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: điều kiện nộp đơn xét tuyển thẳng vào trường là kết quả học sinh Giỏi các năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12. Thí sinh phải học bổ sung kiến thức 01 (một) năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh quy định.
d) Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt đáp ứng quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ GDĐT: Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ kết quả học tập THPT của học sinh (bảng điểm), năng lực tiếng Việt theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT về quy định, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam để xem xét, quyết định cho vào học.
2. Điểm ưu tiên:
(Trích Quy chế tuyển sinh trình độ đại học tại UEH ban hành theo Quyết định số 584/QĐ-ĐHKT-ĐT ngày 16 tháng 02 năm 2024 của Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh)
2.1. Ưu tiên theo khu vực
a) Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 (KV1) là 0,75 điểm, khu vực 2 nông thôn (KV2-NT) là 0,5 điểm, khu vực 2 (KV2) là 0,25 điểm; khu vực 3 (KV3) không được tính điểm ưu tiên;
b) Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp); nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng;
c) Các trường hợp sau đây được hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú:
– Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú được hưởng các chế độ ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước theo quy định;
– Học sinh có nơi thường trú (trong thời gian học cấp THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và Thủ tướng Chính phủ; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 (theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ); các thôn, xã đặc biệt khó khăn tại các địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ nếu học cấp THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.
– Quân nhân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong Công an nhân dân được cử đi dự tuyển, nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại khu vực nào thì hưởng ưu tiên theo khu vực đó hoặc theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ, tùy theo khu vực nào có mức ưu tiên cao hơn; nếu đóng quân từ 18 tháng trở lên tại các khu vực có mức ưu tiên khác nhau thì hưởng ưu tiên theo khu vực có thời gian đóng quân dài hơn; nếu dưới 18 tháng thì hưởng ưu tiên khu vực theo nơi thường trú trước khi nhập ngũ;
d) Từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
2.2. Ưu tiên theo đối tượng chính sách
a) Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng UT1 (gồm các đối tượng 01 đến 04) là 2,0 điểm và cho nhóm đối tượng UT2 (gồm các đối tượng 05 đến 07) là 1,0 điểm.
b) Mức điểm ưu tiên cho những đối tượng chính sách khác (được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành) do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.
c) Thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách quy định chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
Các mức điểm ưu tiên tương ứng với tổng điểm 3 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số); trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương, cụ thể trong đề án tuyển sinh đại học.
Từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định