Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

HIGHLIGHT UEH VIRTUAL OPEN DAYS: Giải đáp thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh và học sinh (Phần 2)

Là một Đại học Đa ngành và Bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) luôn đặt trách nhiệm hướng nghiệp lên hàng đầu, giúp thế hệ trẻ có cái nhìn toàn diện, sâu rộng về ngành nghề, từ đó giúp các bạn đưa ra những lựa chọn ngành học phù hợp, do đó, UEH đã tổ chức chương trình Virtual Open Days phiên bản tư vấn đặc biệt dành cho phụ huynh và học sinh vào 04 ngày chủ nhật (31/4, 7/4, 14/4 và 21/4). Chương trình đã thu hút gần 38.000 học sinh, phụ huynh tham gia tìm hiểu và trao đổi. 

Hãy cùng UEH điểm qua lại những câu hỏi nổi bật đã được Thầy, Cô, Chuyên gia UEH giải đáp tại Phần 2 bài viết. 

Phiên tư vấn với chủ đề “Nhóm ngành Luật, Tài chính công: Thấu hiểu Ngôn ngữ tài chính công, Thành thạo Ngoại ngữ pháp lý” của Khoa Luật, Khoa Tài chính công và UEH – Vĩnh Long

Câu hỏi 1: Học chương trình đào tạo Tài chính Công sẽ được học những kiến thức gì? Cơ hội nghề nghiệp như thế nào?

Trả lời: Tài chính Công là một chương trình đào tạo trong ngành Tài chính – Ngân hàng. Chương trình này cung cấp kiến thức về Tài chính Công, Ngân sách và Tài chính Chính phủ, Phân tích Lợi ích – Chi phí trong Khu vực Công, Kế toán Tài chính Đơn vị Công, Quản lý Tài chính Đơn vị Công, Tài chính Chính quyền Địa phương, Quản lý Tài khóa và Soạn lập Ngân sách, Thẩm định và Quản lý Dự án Đầu tư Khu vực Công. Ra trường, người học có thể làm được những nghề: chuyên viên tài chính khu vực chính quyền các cấp, chuyên viên ngành tài chính, chuyên viên tài chính các cơ quan chức năng của chính quyền, quản lý tài chính đơn vị sự nghiệp công và tư, kiểm toán viên nhà nước, chuyên viên thuế, chuyên viên hải quan, chuyên viên kho bạc, thanh tra viên tài chính, quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước, … Ngoài ra, người học còn được trang bị kỹ năng luôn sẵn sàng với những thách thức và thay đổi của môi trường thực tế bằng những kiến thức, công nghệ hiện đại cập nhật thường xuyên.

Câu hỏi 2: Những hỗ trợ của Khoa Tài chính công đối với Chương trình đào tạo Thuế?

Trả lời: Khoa kết hợp với các doanh nghiệp tạo ra nhiều cơ hội học bổng dành cho sinh viên Chương trình đào tạo Thuế.

Khoa đã ký kết với hội tư vấn và đại lý thuế TP.HCM nhằm hỗ trợ 100% nơi thực tập cho sinh viên Chương trình đào tạo Thuế cũng như tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp.

Khoa kết hợp với các công ty kiểm toán và tư vấn thuế hàng đầu thế giới như PwC, Deloitte, KPMG, EY…, tổ chức các buổi hội thảo nghề nghiệp, tham quan doanh nghiệp thực tế cho sinh viên Chương trình đào tạo Thuế.

Câu lạc bộ học học thuật chuyên ngành – Nhóm Sinh viên nghiên cứu thuế Taxgroup tạo môi trường học thuật cho sinh viên Chương trình đào tạo Thuế sinh hoạt, trau dồi kiến thức, tạo sự kết nối giữa sinh viên cùng Chương trình đào tạo nhiều thế hệ để cùng nhau phát triển

Xem toàn bộ Phiên tư vấn tại đây.

Phiên tư vấn với chủ đề “Giải mã sức hút của nhóm ngành Luật” của Khoa Luật và UEH – Vĩnh Long

Câu hỏi 3: Hiện tại ngành luật có 2 chương trình đào tạo là Luật kinh tế và Luật Kinh doanh quốc tế. Sự khác nhau giữa hai chuyên ngành này như thế nào?

Trả lời: Luật kinh tế và Luật Kinh doanh quốc tế được xây dựng theo định hướng chuyên sâu về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Sự khác biệt chính nằm ở định hướng vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Chương trình đào tạo Luật kinh tế với mục tiêu định hướng sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hành nghề luật trong nước, bước đầu làm việc tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Luật kinh doanh quốc tế trang bị kiến thức pháp luật chuyên sâu về hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh trong bối cảnh toàn cầu nhằm đáp ứng khả năng làm tư vấn chuyên sâu về pháp luật kinh doanh quốc tế cho các công ty đa quốc gia, các công ty Việt Nam có hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế.

Câu hỏi 4: Những tố chất gì để có thể theo học Luật kinh tế và Luật kinh doanh quốc tế là gì?

Trả lời: Về các tố chất chung, người hành nghề luật thường có yêu cầu cao về tư duy logic, khả năng phân tích, tổng hợp và tính cách kiên định. Những kiến thức, hiểu biết chung về xã hội cũng thật sự cần thiết. Ngoài ra, các kỹ năng nói lưu loát, viết rõ ràng và chặt chẽ cũng là những tố chất quan trọng. Tuy nhiên, phần lớn các kỹ năng này sẽ được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện tại môi trường đại học. Do đây là hai Chương trình đào tạo của cùng một ngành Luật nên yêu cầu về tố chất của người học không quá khác biệt. Về tố chất riêng, do môi trường làm việc của ngành luật kinh doanh quốc tế có thể đòi hỏi việc sử dụng thường xuyên ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng nên việc có nền tảng tốt về ngoại ngữ là một lợi thế cho người học khi theo học ngành Luật kinh doanh quốc tế. Ngoài ra, ngành luật kinh doanh quốc tế đòi hỏi sinh viên phải thường xuyên cập nhật tin tức chính trị, kinh tế, văn hoá quốc tế để nắm bắt hơi thở thời đại, trong khi ngành luật kinh tế thì đòi hỏi các bạn có kỹ năng khái quát hoá cao, nắm bắt nhanh thông tin trong nước và có vốn văn hoá, xã hội vững chắc.

Xem toàn bộ Phiên tư vấn tại đây. 

Phiên tư vấn với chủ đề “Nhóm ngành Tài chính: Quản trị dòng tiền – Kiểm soát rủi ro” của Khoa Tài chính và UEH – Vĩnh Long.

Câu hỏi 5: Sự khác biệt giữa Tài chính, Đầu tư tài chính, Tài chính quốc tế? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp?

Trả lời: Tài chính (hay tài chính doanh nghiệp), đầu tư tài chính, tài chính quốc tế… là những chuyên ngành chuyên sâu. Việc học chuyên sâu này để giúp người học có thể làm việc chuyên môn trong những lĩnh vực của thị trường tài chính. Nếu học về Tài chính doanh nghiệp thì người học tập trung vào các công việc hay quyết định quản trị tài chính, tiền bạc của các doanh nghiệp. Từ những quyết định xem xét việc đầu tư tiền bạc vào các hoạt động, dự án sản xuất kinh doanh đến việc tìm kiếm, huy động các nguồn tiền đáp ứng cho chiến lược kinh doanh… thì đầu tư tài chính là hoạt động của quá trình ra các quyết định quản lý tiền của những người có tiền để đầu tư vào các tài sản tài chính như chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) hay vàng bạc, đất đai… Hoạt động đầu tư tài chính đòi hỏi người học phải có những hiểu biết sâu rộng về kinh tế và thị trường tài chính để quản lý tiền một cách hiệu quả.

Với Tài chính quốc tế thì công việc đầu tư còn bao hàm cả những hoạt động đầu tư quốc tế của các công ty đa quốc gia, các định chế Tài chính – ngân hàng hoạt động trên thị trường tài chính thế giới, các nghiệp vụ thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối hay đầu tư vốn trên thị trường tài chính toàn cầu – là một hoạt động tất yếu trong nền kinh tế hội nhập. Do vậy, việc quản lý tài chính phải đặt trên bối cảnh toàn cầu, đó chính là nội dung mà chuyên ngành tài chính quốc tế hướng đến.

Câu hỏi 6: Chương trình song ngành tích hợp Tài chính và Bảo hiểm có những đặc điểm riêng như thế nào và có quá nặng đối với các bạn sinh viên hay không? 

Trả lời: Sinh viên học chương trình đơn ngành Tài chính sẽ học 123 tín chỉ, khi kết hợp song ngành cùng Bảo hiểm sẽ học tổng cộng 154 tín chỉ. Thông thường, sinh viên sẽ học trung bình 7 học kỳ, khi học song ngành sinh viên sẽ đăng ký sớm ở học kỳ hai, dự kiến 8 học kỳ sinh viên có thể tốt nghiệp 2 chương trình, có thể nói là không quá nặng. Sinh viên trúng tuyển vào chương trình đào tạo Bảo hiểm có thể đăng ký học song ngành tích hợp Bảo hiểm – Tài chính. 

Về điều kiện đăng ký xét tuyển:

  1. Sinh viên có thể đăng ký nguyện vọng học chương trình thứ hai khi đang học năm nhất của chương trình đào tạo thứ nhất. 
  2. Sinh viên được chính thức theo học chương trình thứ hai khi: 
  • Đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. 
  • Hoàn tất thủ tục đăng ký đúng thời hạn quy định. 
  • Tại thời điểm xét học chương trình thứ hai, sinh viên không thuộc diện vi phạm kỉ luật và phải đáp ứng 01 trong 02 điều kiện sau:  
    • Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh;
    • Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh. 
  1. Sinh viên đăng ký học song ngành tích hợp khi và chỉ khi đang theo học ngành đào tạo thuộc các ngành đào tạo thứ nhất của CTĐT song ngành tích hợp. 
  2. Thời điểm sinh viên đăng ký trễ nhất là hết học kỳ thứ năm (tương đương học kỳ 1 năm thứ ba) của khóa học. 
  3. Định kỳ hàng năm, đơn vị quản lý đào tạo thông báo, hướng dẫn quy trình đăng ký học chương trình thứ hai đến sinh viên hệ Đại học chính quy và các đơn vị liên quan. 

Xem thêm thông tin chương trình song ngành Bảo hiểm – Tài chính tại ĐÂY

Xem toàn bộ Phiên tư vấn tại đây

Phiên tư vấn với chủ đề “Nhóm ngành học Kế toán – Kiểm toán, Tài chính công – Thuế – Quản trị hải quan – Ngoại thương, Quản lý công: Xương sống của mọi tổ chức” của Khoa Kế toán, Khoa Tài chính công, Khoa Quản lý nhà nước và UEH – Phân hiệu Vĩnh Long

Câu hỏi 7: Sự khác nhau của kiểm toán, kế toán công, kế toán doanh nghiệp. Học chương trình đào tạo kiểm toán thì có thể làm kế toán được không ?

Trả lời: Đối với ba chương trình đào tạo kiểm toán, kế toán công, kế toán doanh nghiệp, sinh viên sẽ có các môn học chung trong chương trình đào tạo là kiến thức đại cương và cơ sở ngành. Một số chứng chỉ sinh viên sẽ học khác và chuyên sâu hơn, ví dụ kế toán doanh nghiệp sinh viên sẽ học nhiều về hệ thống tổ chức thông tin trong doanh nghiệp, cách quản trị và kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp. Với kiểm toán, sinh viên sẽ học một số môn học chuyên sâu hơn môn học về kiểm toán, báo cáo tài chính, về các dịch vụ đảm bảo trong doanh nghiệp kiểm toán. Với sinh viên học kế toán công, sinh viên sẽ học liên quan đến cơ chế giám sát kế toán các đơn vị khu vực công. Ba chương trình này sẽ có sự giao thoa và sẽ có những môn học khác biệt giữa 3 chương trình đào tạo, nếu sinh viên học chương trình kế toán doanh nghiệp thì vẫn có kiến thức để thực tập ở các công ty kiểm toán vì chương trình đào tạo sẽ giúp sinh viên có thể chuyển đổi một cách linh hoạt trong ngành nghề chứ không phải là không thể đi thực tập và làm việc ở các công ty kiểm toán được. Mỗi chương trình đào tạo đều có mục tiêu đào tạo riêng để sau này chúng ta có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. 

Câu 8: Chương trình đào tạo Kế toán doanh nghiệp và Kế toán tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế khác nhau như thế nào? Thời gian đào tạo là bao nhiêu năm?

Trả lời: Chương trình kế toán tích hợp CCNNQT là sự kết hợp giữa 02 chương trình: 

  1. Chương trình kế toán doanh nghiệp của UEH. Chương trình đã đc kiểm định FIBBA – một tổ chức kiểm định danh tiếng của Châu Âu. 
  2. Chương trình của Tổ chức nghề nghiệp quốc tế. 

UEH lựa chọn ICAEW – Viện kế toán công chứng Anh và xứ Wales và ACCA là Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc làm đối tác đồng hành vì đây là những tổ chức nghề nghiệp quốc tế uy tín hàng đầu và chứng chỉ nghề nghiệp được công nhận toàn cầu. 

Cả 2 chương trình đào tạo đều cần 3,5 năm để hoàn thành. Với Kế toán tích hợp CCNNQT ngoài bằng cử nhân kế toán của UEH, các bạn còn có cơ hội nhận được các chứng chỉ nhỏ trong hành trình chinh phục chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế. 

  • Đối với Kế toán tích hợp ICAEW CFAB Plus, bạn có cơ hội hoàn thành chứng chỉ Tài chính, Kế toán và Kinh doanh CFAB và chứng nhận pass thêm 02 môn cấp professional. 
  • Đối với Kế toán tích hợp ACCA, bạn có cơ hội hoàn thành chứng chỉ Diploma of Accounting (nếu pass 3 môn) hoặc Advanced Diploma of Accounting (nếu pass đủ 9 môn).

Xem toàn bộ Phiên tư vấn tại đây.

Cùng chờ đón UEH Virtual Open Days phiên bản đặc biệt: Giải đáp thắc mắc, băn khoăn của phụ huynh và học sinh (Phần 3)! 

Tin tức mới nhất