Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

Thạc sĩ Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường (hướng ứng dụng)

Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường

Chương trình cao học Quản Trị Bền Vững Doanh Nghiệp và Môi trường (Corporate Sustainability and Environmental Management, v.t. CSEM) định hướng ứng dụng là một chương trình liên ngành quản trị – tài chính – kỹ thuật môi trường được xây dựng với mục tiêu quốc tế hoá cơ hội nghề nghiệp của học viên trong bối cảnh phát triển và quản trị bền vững nhận được sự quan tâm lớn từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Dựa trên khung đào tạo của các trường đại học uy tín hàng đầu thế giới, chương trình mang đến học viên những kiến thức chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp một cách bền vững tích hợp các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường; theo đó các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp được quản trị trong giới hạn toàn cục của tài nguyên thiên nhiên. Quản trị bền vững doanh nghiệp ngày nay luôn đi cùng với quản trị “dấu chân” tác động của doanh nghiệp đến môi trường và xã hội. Vì thế chương trình đồng thời trang bị cho học viên những kiến thức nền tảng về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh và tài chính bền vững, quản trị doanh nghiệp và môi trường hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, và kỹ năng thực hành cần thiết như phân tích dự án đầu tư bền vững, đánh giá và xây dựng báo cáo tác động môi trường, thiết lập hệ thống báo cáo quản trị bền vững, v.v. Đặc biệt, để phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học viên, phần kiến thức chuyên ngành được chia làm hai nhánh: Tài chính bền vững và Quản trị bền vững để học viên lựa chọn. Chương trình còn chú trọng trang bị cho học viên: – Tư duy làm việc độc lập – sáng tạo – năng động gắn với trách nhiệm giải trình và năng lực hợp tác – lãnh đạo nhóm; – Khả năng ngoại ngữ tốt và cập nhật kiến thức công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực chuyên ngành hiện đại; – Khả năng thích ứng với những thách thức và thay đổi môi trường. Học viên tốt nghiệp chương trình vì thế có sự tự tin hội nhập vào thị trường lao động trong nước và quốc tế với nhiều lựa chọn việc làm hấp dẫn ở khu vực kinh tế tư nhân, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI, tổ chức tài chính, và các cơ quan khu vực công.

Đối tượng người học

Ứng viên tốt nghiệp đại học từ các ngành thuộc khối ngành Kinh tế, Kinh doanh và quản lý.

Nếu không thuộc các khối trên thí sinh phải học bổ sung kiến thức các môn: Toán cao cấp; Xác suất thống kê; Kinh tế vi mô; Kinh tế vĩ mô; Quản trị học; Nguyên lý tài chính – ngân hàng. (Trường hợp trong bảng điểm đại học có các môn trên sẽ được xem xét miễn học môn đó)

Điều kiện xét tuyển

Thực hiện theo qui định của BGD-ĐT và Qui chế đào tạo của UEH

Cấu trúc chương trình

I. Kiến thức chung: 11 tín chỉ

  • Triết học
  • Ngoại ngữ
  • Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh

II. Kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành: 36 tín chỉ

  • Tài chính doanh nghiệp nâng cao
  • Kinh tế tuần toàn và phát triển bền vững
  • Kinh doanh và môi trường
  • Quản trị doanh nghiệp bền vững
  • Môi trường: luật pháp và chính sách
  • Đánh giá tác động môi trường và xã hội
  • Nguyên lý tài chính bền vững
  • Báo cáo bền vững doanh nghiệp
  • Công nghệ kết nối vạn vật
  • Quản trị rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu
  • Đầu tư tác động
  • Định giá doanh nghiệp ứng dụng
  • Sản xuất và tiêu thụ bền vững
  • Tài chính quốc tế nâng cao
  • Kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm
  • Chiến lược kinh doanh bền vững
  • Sản xuất và tiêu thụ bền vững
  • Quản trị sáng tạo và đổi mới
  • Quản trị khởi nghiệp

III. Thực tập và tốt nghiệp: 13 tín chỉ

  • Báo cáo các chuyên đề về năng lượng bền vững
  • Bài tập lớn về phân tích dữ liệu để ra quyết định ESG
  • Học phần tốt nghiệp

Tổng cộng: 60 tín chỉ

Chuẩn đầu ra

Chuẩn đầu ra Kiến thức (Knowledge)

  • Truyền đạt các khái niệm và phương pháp thực hành quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường đến nhiều đối tượng chuyên gia hoặc không chuyên gia;
  • Tự chủ ứng dụng những phát triển và đổi mới trong lĩnh vực quản trị bền vững – tài chính bền vững ở cả hai khu vực kinh tế công và tư;
  • Đánh giá có phản biện các thực tiễn liên quan đến luật pháp môi trường, chính sách phát triển bền vững và biến đổi khí hậu;
  • Phân tích các vấn đề tác động đến môi trường và xã hội của doanh nghiệp bằng cách sử dụng các công cụ thống kê và phương pháp khoa học thực nghiệm;
  • Thiết lập và quản lý báo cáo ESG cho doanh nghiệp;
  • Thẩm định và ra quyết định đầu tư các dự án đầu tư tác động;
  • Thiết kế hoặc tham gia thiết kế, đánh giá và phân tích các dự án về quản trị bền vững và môi trường theo khuôn khổ quản trị thích ứng;
  • Phát triển khả năng tổng hoà kiến thức chuyên ngành đào tạo để thực hiện được yêu cầu công việc thực tế tại các tổ chức kinh tế – xã hội.

Chuẩn đầu ra Kỹ năng (Skills)

  • Kỹ năng phân tích dữ liệu
  • thông tin kinh tế để có thể hỗ trợ việc ra quyết định và đánh giá hiệu quả công việc;
  • Kỹ năng phân tích và đánh giá tình huống để có thể đưa ra giải pháp có tính khoa học, sáng tạo trong phạm vi chuyên môn;
  • Kỹ năng triển khai hoặc xây dựng những giải pháp quản trị bền vững tại doanh nghiệp, dự án đầu tư hoặc các đơn vị khu vực công;
  • Kỹ năng tổ chức, hoạch định và làm việc nhóm hiệu quả;
  • Có năng lực nghe-đọc-hiểu-viết ngoại ngữ tốt (tiếng Anh).

Chuẩn đầu ra Mức độ tự chủ và trách nhiệm (Autonomy and Responsibility)

  • Năng lực nghiên cứu, đổi mới và đưa ra sáng kiến trong công việc;
  • Tự định hướng bản thân và thích ứng với sự thay đổi môi trường, và có khả năng hướng dẫn người khác;
  • Năng lực ra quyết định, kết luận các vấn đề chuyên môn;
  • Năng lực quản lý, đánh giá và cải tiến các hoạt động chuyên môn.

Cơ hội việc làm

Học viên tốt nghiệp chương trình tự tin hội nhập vào thị trường lao động trong nước và quốc tế với nhiều lựa chọn việc làm hấp dẫn ở cả khu vực kinh tế tư nhân lẫn khu vực công: (1)Đối với khu vực tư: phụ trách mảng phát triển bền vững – kinh doanh bền vững của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp niêm yết, các tổ chức tài chính; (2) Đối với khu vực công: phụ trách mảng phát triển bền vững của các cơ quan khu vực công từ trung ương đến địa phương.