Mô tả vắn tắt học phần

1. Tên học phần:

Kế toán công nâng cao

2. Ngôn ngữ giảng dạy:

Tiếng Việt

3. Mã học phần:

ADV607023

4. Bộ môn phụ trách giảng dạy:

KD - Khoa Kế toán

5. Trình độ:

Thạc sĩ

6. Số tín chỉ:

3

7. Phân bổ thời gian:

  • Đối với hoạt động trên lớp:
  • Lý thuyết: 30 giờ
  • Làm việc nhóm, thảo luận:: 15 giờ
  • Đối với hoạt động tại phòng máy tính, phòng mô phỏng, …:
  • Thực hành, làm việc nhóm, thảo luận
  • Tự nghiên cứu, tự học: 105 giờ
  • Đồ án, Đề án, Dự án
  • Thực tập

8. Tính chất học phần:

Bắt buộc

9. Ngành áp dụng:

Kế toán

10. Điều kiện tiên quyết:

Không có môn học bắt buộc phải hoàn thành trước học phần này

11. Mục tiêu học phần:

Học phần Kế toán Công Nâng cao cung cấp cho học viên hai nhóm kiến thức liên quan đến kế toán trong khu vực công, bao gồm: Phần 1 – Cơ chế tài chính kế toán công: cung cấp cho học viên kiến thức tổng quan về hệ thống tài chính nhà nước ở Việt Nam và cơ chế quản lý ngân sách, tài chính nhà nước hiện hành. Phần này cũng trang bị cho học viên kỹ năng liên hệ và đánh giá các tình huống thực tế dựa trên các quy định về quản lý ngân sách, tài chính; giúp học viên có thái độ chủ động trong việc nghiên cứu, cập nhật các quy định pháp lý trong quá trình làm việc sau này. Phần 2 – Kế toán đơn vị Hành chính Sự nghiệp: cung cấp cho học viên viên kiến thức về hệ thống kế toán áp dụng tại các đơn vị hành chính sự nghiệp (loại hình đơn vị chiếm tỉ trọng chủ yếu nhất trong khu vực công về mặt lượng) nhằm: (1) đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng kế toán cho một bộ phận học viên ra trường có khả năng làm việc tại/với các đơn vị hành chính sự nghiệp hoặc các đơn vị có hệ thống kế toán tương tự, và (2) giúp học viên hiểu và áp dụng linh hoạt, phù hợp các nguyên tắc kế toán, phương pháp hạch toán trong nhiều loại hình đơn vị khác nhau, từ đó củng cố năng lực chuyên môn của mình.

12. Mô tả vắn tắt nội dung học phần:

Phần 1 – Cơ chế tài chính kế toán công: giới thiệu đến học viên tổng quan về hệ thống tài chính nhà nước ở Việt Nam và những vấn đề cơ bản trong quản lý tài chính nhà nước. Hơn thế nữa, phần này tập trung trình bày các đặc điểm của ba loại quỹ tài chính nhà nước quan trọng trong khu vực công Việt Nam cũng như cơ chế tài chính hiện hành áp dụng đối với từng loại quỹ. Các quỹ này bao gồm quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính của cơ quan hành chính nhà nước và quỹ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Phần 1 kế thừa kiến thức của các học phần Luật Kinh doanh, Kinh tế vĩ mô mà học viên đã học ở bậc đại học, tạo tiền đề cho học viên tiếp tục nghiên cứu kiến thức về kế toán, kiểm toán, kiểm soát nội bộ, lập dự toán, phân tích và đánh giá thành quả hoạt động trong khu vực công.

 

Phần 2 – Kế toán đơn vị Hành chính Sự nghiệp: giới thiệu đến học viên tổng quan về đơn vị hành chính sự nghiệp ở Việt Nam, bao gồm: chức năng, nhiệm vụ; đặc điểm tài chính; tổ chức công tác kế toán; chế độ kế toán và các quy định hiện hành khác liên quan đến việc thực hành kế toán tại đơn vị. Phần này cũng chú trọng vào việc hướng dẫn thực hành các nguyên tắc kế toán của các đối tượng kế toán chủ yếu (như tiền, vật tư, tài sản cố định, các khoản phải thu, phải trả, tài sản thuần, doanh thu và chi phí) và phương pháp hạch toán các giao dịch kinh tế liên quan đến các hoạt động quan trọng, mang tính đặc thù của khu vực nhà nước, giúp học viên có thể nắm bắt các công việc kế toán tại đơn vị hành chính sự nghiệp ngay khi vừa tiếp cận. Phần 2 kế thừa kiến thức của các học phần kế toán tài chính mà học viên đã học ở bậc đại học, cung cấp kiến thức căn bản về kế toán tài chính trong khu vực công. Phần này, một mặt, giúp học viên hiểu sâu hơn các nguyên tắc, phương pháp kế toán tài chính thông qua việc tiếp cận chúng dưới bối cảnh đơn vị hành chính sự nghiệp, mặt khác, tạo tiền đề cho học viên tiếp tục nghiên cứu kiến thức nâng cao về kế toán tài chính trong khu vực công.