Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

Vượt qua áp lực đồng trang lứa (Peer Pressure)

Có lẽ, không ít lần chúng ta nghe đến hai chữ “peer pressure” trong khi nói chuyện với bạn bè hay trên các diễn đàn mạng xã hội. Đôi khi, nó không xuất hiện một cách trực tiếp mà được gài gắm đâu đó trong những câu nói tưởng chừng như vô hại nhưng lại khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều.

“Ấy ơi, mình vừa nhận thông báo có tên trong danh sách được nhận học bổng của trường.”

“Ấy ơi, mình đã chính thức trở thành thực tập sinh của agency này nè!”

Những câu nói này thoạt nghe là những “tin vui” thế nhưng đôi lúc lại gợi trong ta nhiều suy nghĩ. Trước thành công của những người bạn đồng trang lứa, chúng ta bỗng chốc hoài nghi về bản thân, chúng ta tự ti, cảm giác thua kém hoặc vô tình phủ nhận thành quả của bản thân. Tất cả cảm giác ấy chính là dấu hiệu cho thấy chúng ra đang trong tình trạng “peer pressure”.

Nếu bạn cũng đang loay hoay tìm lối ra cho chính mình trong những suy nghĩ ấy thì bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về “peer pressure” và cách vượt qua nó.

Peer pressure là gì?

Peer pressure là một thuật ngữ chuyên ngành giáo dục, tâm lý học và được hiểu là áp lực đồng trang lứa. Theo từ điển tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa là khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi thái độ, giá trị và hành vi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm. Nói đơn giản hơn, đó chính là cảm giác tự ti của bản thân khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh.

Peer pressure xảy ra hầu hết ở mọi lứa tuổi, ngay từ khi chúng ta bắt đầu đi học, mở rộng mối quan hệ của mình cho tới khi ta già đi. Khi chúng ta còn là những đứa trẻ, áp lực có thể xảy ra với sự so sánh điểm số ở trường học. Khi chúng ta bắt đầu lao vào công việc, mức lương nhận được hàng tháng lại trở thành một tiêu chí để đánh giá sự thành công, áp lực lại càng tăng thêm.

Mỗi lần đối mặt với nó, chúng ta lại tự hỏi bản thân “Tại sao mình không được như vậy?”“Phải chăng bản thân mình quá tệ so với mọi người?”. Dần dần, những câu hỏi này như lấy đi sự tự tin, lấy đi niềm tin vào bản thân và làm chúng ta trở nên mệt mỏi hơn.

Vì sao ta lại rơi vào trạng thái peer pressure?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa. Những nguyên nhân này có thể xuất phát từ bên ngoài và cả chính bên trong chúng ta. Một số nguyên nhân điển hình có thể kể đến như sau:

Mạng xã hội

Chúng ta sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích từ giải trí đến làm việc

Chúng ta thường dành ra vài giờ đồng hồ mỗi ngày để truy cập vào các trang mạng xã hội. Bên cạnh được cập nhật những điều bổ ích, có nhiều thông tin mang tính chất so sánh “độc hại” lại vô tình ảnh hưởng đến tâm trạng của chúng ta. Một buổi sáng đẹp trời, bạn thức dậy và vẫn như bao ngày khác, bạn vào lướt news feed để nắm bắt kịp thời những thông tin mới nhất. Bỗng nhiên, bạn thấy nhỏ bạn chung giảng đường vừa cập nhật trang cá nhân với dòng chữ “Bắt đầu làm việc tại công ty X”. Bạn rơi vào khoảng lặng vì bản thân mình còn đang loay hoay chưa tìm được một vị trí thực tập để kịp hoàn thành học kỳ doanh nghiệp.

Có hay không, khi đang đọc những dòng này, bạn nhận ra chính mình cũng rơi vào trường hợp tương tự? Ta có thể theo dõi và cập nhật cuộc sống của bất kỳ người bạn nào khi xem trang cá nhân hay “story” của họ, chỉ cần nhìn thấy một thành tích nhỏ của bạn bè, ta cảm thấy như mình bị bỏ lại phía sau. Nhưng đâu chỉ có một người bạn hay một thành tích, con số này có thể là vài trăm hoặc thậm chí là vài nghìn người. Vòng tròn quan hệ trên mạng xã hội càng lớn, chúng ta càng có nhiều tiêu chí để đem bản thân mình so sánh với người khác. Từ đó mà áp lực đồng trang cứ mỗi lúc một lớn hơn.

Sự so sánh xã hội

Đặt bản thân vào sự so sánh với những tiêu chí không phù hợp

Khác với sự đề cao giá trị bản thân ở các nước phương Tây, nền văn hóa Á Đông coi trọng sự phụ thuộc qua lại giữa con người và tầm quan trọng của tập thể. Chúng ta được nuôi dạy và lớn lên trong sự so sánh với các mối quan hệ xã hội. Một người mà các bạn trẻ ngày nay thường hay nhắc tới  khi so sánh đó là “con nhà người ta”. Nghe thì vui đấy, nhưng hình tượng “con nhà người ta” đã đem lại bao nhiêu áp lực cho giới trẻ. Đến giờ cơm, tivi đưa tin cậu học sinh nọ đạt giải cao trong một kỳ thi cấp quốc tế. Dù chẳng hề quen biết, nhưng không ít lần chúng ta bị đem ra so sánh với cậu học sinh này. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, dù sống trong những hoàn cảnh khác nhau, song bao giờ cũng tồn tại những tiêu chí “con nhà người ta” được đem ra để đánh giá sự thành công của bạn. Bị so sánh càng nhiều, chúng ta càng áp lực khi bản thân mình thua kém người khác, chẳng thể theo kịp sự thăng tiến của một hình mẫu lý tưởng và không đáp ứng được kỳ vọng của những người xung quanh.

Khao khát hòa nhập với tập thể

Mong muốn hòa nhập vào tập thể

Chúng ta, dù ít hay nhiều, đều đã từng trải qua những lần thay đổi môi trường sống, học tập hay làm việc. Mỗi lần như vậy, ta phải học cách thích nghi với môi trường mới. Nhưng có lẽ, không phải ai cũng có đủ bản lĩnh và kỹ năng để hòa nhập tốt khi bắt đầu làm quen trong một tập thể hoàn toàn khác lạ. Kết thúc 12 năm học, bạn nhận được tin nhắn trúng tuyển vào đại học và háo hức cho một chương mới của cuộc đời. Hẳn là bạn đã từng mộng mơ về cuộc sống sinh viên màu hồng, có một công việc làm thêm, được nhận một học bổng hay là tham gia một câu lạc bộ,…

Nhưng chỉ 1-2 tuần học, mọi thứ dường như không giống với điều bạn từng nghĩ. Không chỉ vì khối lượng kiến thức chuyên sâu, các vòng ứng tuyển khó nhằn vào các câu lạc bộ mà còn là việc làm quen và kết nối với những người bạn mới. Bạn áp lực khi biết cậu bạn ngồi cùng bàn đang là cộng tác viên của một câu lạc bộ lớn hay cô bạn ngồi bàn trên đã có chứng chỉ TOEIC 800. Bạn nhận ra bản thân không có gì nổi trội trong khi mình cũng từng là một học sinh ưu tú thời cấp 3. Trong một tập thể với nhiều người xuất xắc như vậy, có một áp lực vô hình đè nặng lên vai chúng ta.

Tuy những nguyên nhân trên có phần tiêu cực, áp lực đồng trang lứa cũng không thực sự xấu như chúng ta tưởng. Khi bạn đang gặp phải những cảm giác này, nó không có nghĩa là bản thân bạn đang thua kém người khác. Ngược lại, nó càng thôi thúc bạn vươn lên, khao khát sự thành công, không buông thả và phải sống có trách nhiệm với chính mình. Áp lực đồng trang lứa cũng là động lực tuyệt vời để thúc đẩy ta trở nên hoàn thiện hơn khi nhìn vào những tấm gương thành công. Sự thăng tiến, giỏi giang của những người xung quanh nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải cố gắng, khổ luyện nhiều hơn nữa, là động lực để ta vượt qua sự lười biếng và tính trì hoãn của bản thân.

Làm thế nào để chúng ta có thể vượt qua Peer pressure một cách nhẹ nhàng?

Nếu bạn đang ở trong tình trạng này, thì những mẹo hữu ích sau đây có thể giúp bạn vượt qua áp lực một cách dễ dàng hơn:

Nhắc nhở bản thân rằng mình là duy nhất

Nhắc nhở bản thân phải yêu lấy chính mình

Trong cuốn sách “Mình là cá, việc của mình là bơi”, có một câu rất hay: “Chúng ta đều là những bông hoa duy nhất trên thế giới này, mỗi người đều mang trong mình một hạt giống khác biệt. Bạn cần nỗ lực hết mình để bông hoa ấy hé nở.” Thật vậy, chúng ta được sinh ra đã là một bản thể riêng biệt và duy nhất, chúng ta mang trong mình một “hạt giống”, vậy tại sao chúng ta phải chịu áp lực khi không có được “hạt giống” của “bông hoa” khác? Ai cũng có một vai trò riêng trong thế giới, điều quan trọng là chúng ta hãy biết yêu thương và trân trọng chính mình, để nhận ra giá trị của bản thân mình từ bên trong, khi đó cuộc sống sẽ rộng mở với ta. Sức mạnh từ bên trong sẽ là thứ “vũ khí” lợi hại giúp chúng ta vượt qua những áp lực bên ngoài.

Đặt ra một mục tiêu cụ thể

Một ngạn ngữ hay của thiên tài Albert Einstein

Chúng ta được sinh ra trên đời và mang trong mình những sứ mệnh khác nhau. Hãy cảm nhận xem sứ mệnh của bạn là gì. Tự đặt ra cho mình mục đích sống thật phù hợp, một lẽ sống mà khiến bạn có lý do thức dậy vào mỗi sáng và xác định hướng đi để hoàn thành lẽ sống đó. Khi chúng ta hiểu rằng mỗi người đều có một con đường riêng, chúng ta trở nên bận rộn hơn với mục tiêu của cuộc đời mình, chúng ta biết mình đang đi đâu và sẽ đến đâu, ta sẽ chẳng lăn tăn nhìn vào con đường của người khác nữa.

Hiểu rõ giới hạn của mình

Hiểu rõ giới hạn của bản thân là bước đầu trong hình trình vượt qua nó

Mỗi chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa mỗi người, Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Thế nên, hãy lắng nghe để biết giới hạn của bản thân, rằng mình mạnh yếu hay dở ở đâu để phát huy và cải thiện. Hành trang bạn cần mang theo trong cuộc sống này chính là một tinh thần luôn mong muốn được học hỏi và cầu tiến, nhìn vào những mặt tốt mọi người để trau dồi cho bản thân, hoàn thiện hơn mỗi ngày. Thời gian và công sức mà bạn bỏ ra cho chính mình rồi sẽ được đền đáp!

Mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ giúp ích được cho các bạn, đặc biệt là những ai đang trong tình trạng “peer pressure”. Mỗi người đều có những giá trị riêng biệt, chỉ cần phát hiện ra giá trị của chính mình, bạn sẽ tỏa sáng và tốt hơn mỗi ngày. Keep calm & Love yourself!

Tin, ảnh: Phòng Chăm sóc và hỗ trợ người học

ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG NGHIỆP

SỰ KIỆN TUYỂN SINH