TUYỂN SINH ĐHCQ 2025: Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở mới 03 chương trình đào tạo xu hướng

Từ khóa: Đa ngành, bền vững, công nghệ 

Năm 2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) chính thức tuyển sinh 3 chương trình đào tạo mới với nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn gồm: Phân tích dữ liệu (hướng kinh doanh và công nghệ), Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường, Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính – Ngân hàng.

Phân tích dữ liệu hướng kinh doanh và công nghệ (Data Analytics)

Năm 2025, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mở chương trình đào tạo phân tích dữ liệu (hướng kinh doanh và công nghệ) – đây là lĩnh vực đã được nhiều trường đào tạo dưới dạng chuyên ngành nhưng là ngành học độc lập lần đầu tuyển sinh ở Việt Nam.

GS.TS. Nguyễn Trường Thịnh – Viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác chia sẻ: “Dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu đang là xu hướng toàn cầu. Trong cuộc chạy đua công nghệ số, hầu hết các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực từ ngân hàng đến công nghệ, y tế, bán lẻ… đều có nhu cầu tuyển dụng. Do đó, đặc điểm nổi bật của chương trình là sự tích hợp giữa kiến thức kinh tế, quản trị và công nghệ thông tin. Chương trình đi sâu vào phân tích dữ liệu trong công nghệ, sử dụng phân tích dữ liệu để tối ưu hóa và hỗ trợ ra quyết định về các lĩnh vực như đô thị thông minh, quản lý đô thị… Sinh viên có thể lựa chọn đi theo chuyên ngành phân tích dữ liệu trong kinh doanh hoặc phân tích dữ liệu hướng công nghệ. Dự báo, mức thu nhập của sinh viên mới ra trường từ 10-18 triệu đồng/tháng; từ 2 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương trên 20-30 triệu đồng/tháng.”

Năm 2025, chương trình đào tạo phân tích dữ liệu của Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh 40 chỉ tiêu, mã đăng ký xét tuyển: 7460108_02. Tuyển sinh với 05 Phương thức xét tuyển, trong đó Phương thức 3 (xét tuyển thí sinh có kết quả học tập Tốt) với các tổ hợp: A00, A01, D26, D27, D28, D29, D30, AH3, D01, D02, D03, D04, D05, D06, DD2, D07, D21, D22, D23, D24, D25, AH2 và phương thức 5 (xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT) với các tổ hợp A00, A01, D01, D07. (Xem thông tin tổ hợp môn tại đây)

Chương trình đào tạo bằng tiếng Việt, kéo dài khoảng 3,5 năm, với tổng 122 tín chỉ. Sinh viên được trang bị kiến thức về toán học và thống kê; lập trình và công cụ phân tích dữ liệu; học máy và trí tuệ nhân tạo (AI); trực quan hóa dữ liệu; phân tích dữ liệu ứng dụng… 

Tốt nghiệp lĩnh vực phân tích dữ liệu, sinh viên có thể làm việc tại các công ty, tập đoàn về viễn thông, phần mềm với các vị trí như bộ phận IT, quản trị dữ liệu tại các doanh nghiệp, chuyên viên phân tích dữ liệu doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, cơ quan nhà nước, ngân hàng… Hoặc trở thành kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phát triển phần mềm phụ trách phân tích, thống kê dữ liệu trong các công ty giải pháp công nghệ thông tin. Nghiên cứu, giảng dạy khoa học dữ liệu và các lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, hệ thống công nghiệp… tại các trường đại học, viện nghiên cứu.

Trong đó, có thể kể đến một số vị trí công việc nổi bật như, chuyên gia khoa học dữ liệu: phát triển và áp dụng các mô hình học máy để giải quyết các vấn đề phức tạp trong doanh nghiệp. Làm việc với các bộ dữ liệu lớn, sử dụng các kỹ thuật phân tích tiên tiến như học sâu (deep learning), học máy để đưa ra dự báo và các giải pháp tối ưu…

*Xem thêm toàn bộ lộ trình chương trình đào tạo tại đây.

Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường (Corporate Sustainability and Environmental Management)

PGS.TS. Bùi Thị Mai Hoài – Viện trưởng Viện Tài chính bền vững, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Hiện nay phát triển bền vững đã trở thành tiêu chí bắt buộc ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Theo báo cáo việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây, nhu cầu nhân lực mảng phát triển bền vững sẽ tăng trưởng khoảng 33-34%/năm. Hiện 78% doanh nghiệp Việt Nam đang cần nhân lực cho nhu cầu phát triển bền vững nhưng chưa được đáp ứng. Chưa có trường nào ở Việt Nam đào tạo nhân lực ngành này nên họ buộc phải tuyển nhân sự tốt nghiệp đại học từ các ngành khác. Điều này chứng tỏ nhu cầu của thị trường lao động rất cao. 5 năm qua nhiều trường đại học tốp 200 thế giới đã bắt đầu đào tạo. Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam triển khai đào tạo ngành Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường ở bậc cử nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực này. Đây cũng là cam kết của nhà trường trong chiến lược Đại học Đa ngành và Bền vững.” 

Chương trình đào tạo Quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường sẽ bao gồm 125 tín chỉ, ngôn ngữ Tiếng Việt. Trong đó bao gồm: kiến thức đại cương, kiến thức cơ sở liên ngành quản trị – tài chính – kỹ thuật môi trường và kiến thức chuyên ngành. Người học được trang bị kiến thức nền tảng về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh và tài chính bền vững, quản trị doanh nghiệp và môi trường hướng đến mục tiêu giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu, và các kỹ năng thực hành cần thiết như: phân tích dự án đầu tư bền vững, đánh giá và xây dựng báo cáo tác động môi trường, thiết lập hệ thống báo cáo quản trị bền vững… 

Phần kiến thức chuyên ngành được chia làm 3 nhánh: quản trị doanh nghiệp bền vững, tài chính bền vững, quản trị khu vực công bền vững. Sinh viên có thể lựa chọn theo học 1 trong 3 chuyên ngành này theo định hướng nghề nghiệp của bản thân.

Sinh viên còn có phần thực hành và dự án thực tế với dự án nhóm và cá nhân; các đợt thực tập tại các công ty, doanh nghiệp trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, môi trường, các tập đoàn đa quốc gia…

Theo cấu trúc chương trình, khi hoàn thành bậc cử nhân thì người học sẽ nắm rõ các khái niệm và phương pháp thực hành quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường; ứng dụng những phát triển và đổi mới trong lĩnh vực quản trị bền vững – tài chính bền vững ở cả hai khu vực kinh tế công và tư; có khả năng đánh giá và phản biện các thực tiễn liên quan đến luật pháp môi trường, chính sách phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; phân tích các vấn đề tác động đến môi trường và xã hội của doanh nghiệp bằng cách sử dụng các công cụ thống kê và phương pháp khoa học thực nghiệm; thiết kế hoặc tham gia thiết kế, đánh giá và phân tích các dự án về quản trị bền vững và môi trường theo khuôn khổ quản trị thích ứng…

Cử nhân ngành này có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau, như: quản lý dự án bền vững, chuyên gia về quản trị bền vững trong các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI và các nhà cung ứng quốc tế; trở thành chuyên gia tư vấn đánh giá môi trường, chuyên viên (quản lý) quản trị bền vững, chuyên viên phân tích đầu tư, chuyên viên quản trị rủi ro, chuyên viên thẩm định dự án, chuyên viên quản trị rủi ro…

Năm 2025, chương trình đào tạo quản trị bền vững doanh nghiệp và môi trường tuyển sinh 40 chỉ tiêu, mã đăng ký xét tuyển: 7340101_04. Tuyển sinh với 05 Phương thức xét tuyển, trong đó Phương thức 3 (xét tuyển thí sinh có kết quả học tập Tốt) với các tổ hợp: A00, A01, D26, D27, D28, D29, D30, AH3, D01, D02, D03, D04, D05, D06, DD2, D07, D21, D22, D23, D24, D25, AH2, D09, AH5, D36, D37, D38, D39, D40, và phương thức 5 (xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT) với các tổ hợp A00, A01, D01, D07, D09 (xem thông tin tổ hợp môn tại đây). Mức điểm có thể tương đương với ngành quản trị kinh doanh (từ 23-28 điểm).

*Xem thêm toàn bộ lộ trình chương trình đào tạo tại đây.

Chương trình Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính – Ngân hàng (Finance – Banking)

Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chính thức triển khai Đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính – Ngân hàng. Đây là Đề án thành phần 5 thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) giai đoạn 2020-2035 và Đại học chia sẻ theo Quyết định Số 2426/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hồ Chí Minh ngày 05/7/2021.

Mục tiêu của Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành Tài chính – Ngân hàng là thiết kế, xây dựng chương trình đào tạo và đề xuất tổ chức thực hiện đào tạo nhân lực trình độ quốc tế đối với ngành Tài chính – Ngân hàng giai đoạn 2021 – 2035; góp phần phát triển lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời, góp phần đổi mới toàn diện giáo dục, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động.

Chương trình đào tạo bám sát mục tiêu, chuẩn đầu ra, và cấu trúc chương trình theo Đề án. Trong đó, mục tiêu tổng quát là cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về Tài chính – Ngân hàng cũng như các kiến thức nền tảng về kinh tế và quản lý. Chương trình nhấn mạnh vào sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, xây dựng các kỹ năng thiết yếu và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp để giúp sinh viên đáp ứng các yêu cầu việc làm có tính quốc tế, hòa nhập nhanh chóng vào thị trường lao động ngành Tài chính – Ngân hàng, thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ và quá trình hội nhập toàn cầu. 

Năm 2025, UEH tuyển sinh 40 chỉ tiêu, mã đăng ký xét tuyển: 7340201_08. Tuyển sinh với 05 Phương thức xét tuyển, trong đó Phương thức 3 (xét tuyển thí sinh có kết quả học tập Tốt) với các tổ hợp: A00, A01, D26, D27, D28, D29, D30, AH3, D01, D02, D03, D04, D05, D06, DD2, D07, D21, D22, D23, D24, D25, AH2, D09, AH5, D36, D37, D38, D39, D40, và phương thức 5 (xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT) với các tổ hợp A00, A01, D01, D07, D09

Đối tượng tuyển chọn là sinh viên Đại học chính quy tập trung đã trúng tuyển vào UEH năm 2025 (Khóa 51) thuộc các lớp Tài chính, Tài chính quốc tế, Đầu tư tài chính, đáp ứng điều kiện: Sinh viên tự nguyện đăng ký tham gia thí điểm đào tạo; Trình độ tiếng Anh IELTS 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ khác tương đương; Sinh viên cam kết hoàn thành khóa học; Sinh viên cam kết thực hiện các nghĩa vụ về thời gian làm việc/thực tập với vị trí phù hợp lĩnh vực chuyên môn, trong trường hợp nhận học bổng tương ứng từ nhà tài trợ.

Thời gian đào tạo 3,5 năm, bao gồm 124 tín chỉ. Ngôn ngữ 100% tiếng Anh, trừ các môn Triết học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Số môn học do giảng viên nước ngoài phụ trách tối đa là 10 môn. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được UEH cấp Bằng cử nhân Tài chính – Ngân hàng (Chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế). Đồng thời, có cơ hội nhận bằng thứ hai do đại học nước ngoài cấp trên cơ sở công nhận chương trình đào tạo quốc tế của UEH nếu đáp ứng các yêu cầu và chuẩn đầu ra tương ứng. 

*Xem thêm toàn bộ lộ trình chương trình đào tạo tại đây

* Xem brochure chương trình đào tạo tại đây

Thông tin và bộ công cụ hỗ trợ định hướng nghề nghiệp UEH:

Đây là bài viết nằm trong chuỗi thương hiệu đào tạo “Glocal Education” tại UEH, với thông điệp “Empower Global Citizens for Sustainable Development” – “Đào tạo Công dân toàn cầu – Hành động bền vững”, một trong 5 trụ cột chiến lược quan trọng của UEH Đa ngành và Bền vững giai đoạn 2021 – 2030. 

Tin, ảnh: Ban Truyền thông và Phát triển đối tác

Tin tức mới nhất