Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

Tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Anh năm 2021 (UEH Ph.D. Program)

FA - Tuyen sinh TIEN SI TV_CTS_1920x680

(See UEH Ph.D. Program in English here)

1. Mục tiêu đào tạo

Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Anh của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhằm đào tạo những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh quản lý có trình độ cao, có năng lực nghiên cứu độc lập, phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học kinh tế, có khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn trong các trường đại học Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời chương trình thực hiện mục tiêu đáp ứng nhu cầu đào tạo giảng viên của các trường đại học trong khu vực cũng như của các trường nước ngoài, các chương trình liên kết quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam.

2. Thời gian, hình thức và ngôn ngữ đào tạo

Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ (kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh) là 4 năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Thời gian đào tạo có thể gia hạn tối đa 24 tháng, nhưng tổng thời gian đào tạo không quá 72 tháng, tính đến ngày hoàn tất hồ sơ luận án để thực hiện quy trình phản biện độc lập. Việc tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

  Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Giảng viên của Trường có đủ khả năng giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh viết luận án bằng tiếng Anh.

Các yêu cầu đối với luận án tiến sĩ và điều kiện để bảo vệ luận án cao hơn quy định của Thông tư 18/2021 và tương đương với yêu cầu của Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chỉ tiêu tuyển sinh

Chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Anh năm 2021 của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minhlà 20 nghiên cứu sinh. Chỉ tiêu đào tạo cho mỗi ngành được Hội đồng tuyển sinh trình độ tiến sĩ quyết định dựa trên số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các ngành và năng lực đào tạo các ngành của Trường.

4. Ngành tuyển sinh và đào tạo bằng tiếng Anh:

  • Kinh tế phát triển (Development Economics), Mã số: 9310105
  • Tài chính – Ngân hàng (Finance – Banking), Mã số: 9340201
  • Quản trị kinh doanh (Business Administration), Mã số: 9340102

5. Điều kiện dự tuyển

Người dự tuyển là công dân nước ngoài đến từ các nước Đông Nam Á hoặc người nước ngoài đang giảng dạy, nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau:

  • Về văn bằng:

Có văn bằng phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển: bằng thạc sĩ khối kinh tế, kinh doanh và quản lý. Trong trường hợp người dự tuyển có bằng thạc sĩ cùng khối kinh tế, kinh doanh và quản lý nhưng không thuộc ngành đúng với ngành dự tuyển, thì người dự tuyển cần học bổ sung một số học phần kiến thức chuyên ngành của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ sau khi trúng tuyển.

Không tuyển sinh đối với người có văn bằng thạc sĩ ngành khác (không thuộc khối kinh tế, kinh doanh và quản lý) hoặc chưa có bằng thạc sĩ.

  • Có năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu, được minh chứng theo các yếu tố sau:

a) Có kinh nghiệm tích lũy về nghiên cứu khoa học, thể hiện qua việc là tác giả của 01 bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có phản biện không quá 24 tháng tính đến ngày dự tuyển.

b) Có khả năng triển khai và hoàn thành nghiên cứu, thể hiện thông qua một đề cương nghiên cứu theo mẫu quy định (3000-3500 từ).

c) Được tín nhiệm bởi giới khoa học, thể hiện qua thư giới thiệu của ít nhất một nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên.

  • Có đủ năng lực ngoại ngữ để học tập, tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án, thể hiện ở một trong các điều kiện sau:

a) Công dân quốc gia sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức.

b) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh;

c) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 65 trở lên (do IIG, IIE hoặc các trung tâm do ETS ủy quyền cấp)  hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 6.0 trở lên (do British Council hoặc IDP Australia hoặc University of Cambridge cấp) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

6. Hồ sơ dự tuyển

a) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu).

b) Lý lịch khoa học (CV) bằng tiếng Anh có dán ảnh cá nhân.

c) Thư giới thiệu bằng tiếng Anh về mặt học thuật của người dự tuyển từ hai giảng viên hoặc nhà khoa học có học vị tiến sĩ trở lên.

d) Một bản sao chứng thực của các loại giấy tờ sau:

– Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học;

– Bằng và bảng điểm thạc sĩ,

– Chứng chỉ ngoại ngữ,

– CMND/CCCD hoặc hộ chiếu.

e) Đóng quyển 05 bộ, mỗi bộ gồm: Đề cương nghiên cứu (theo mẫu) và các bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có phản biện không quá 24 tháng tính đến ngày dự tuyển (trang bìa, trang mục lục, toàn bộ nội dungbài báo/báo cáo) của người dự tuyển;

f) 02 ảnh 4×6 của người dự tuyển ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh phía sau ảnh.

Trường hợp các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Quản lý chất lượng giáo dục (thông tin về đăng ký công nhận văn bằng do nước ngoài cấp xem tại https://naric.edu.vn/huong-dan-quy-trinh-cnvb-co-so-giao-duc.html).

7. Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển

Đánh giá người dự tuyển đào tạo tiến sĩ theo thang điểm 100, bao gồm đánh giá hồ sơ dự tuyển (40 điểm); đánh giá đề cương nghiên cứu (20 điểm) và phỏng vấn (40 điểm). Người dự tuyển được xếp loại đạt nếu phần hồ sơ đạt từ 20 điểm trở lên; phần đề cương nghiên cứu đạt từ 10 điểm trở lên và phần phỏng vấn đạt từ 20 điểm trở lên.

  • Đánh giá hồ sơ dự tuyển, bao gồm các nội dung:

a) Văn bằng và kết quả đào tạo: Đánh giá văn bằng dựa trên uy tín của cơ sở đào tạo và kết quả học tập của người dự tuyển tại các bậc đại học và thạc sĩ.

b) Bài báo: Được đánh giá dựa trên mức độ uy tín của tạp chí, sự phù hợp với hướng nghiên cứu và ngành đăng ký dự tuyển của người dự tuyển, chất lượng bài viết…

c) Trình độ ngoại ngữ.

d) Ý kiến đánh giá, nhận xét và ủng hộ người dự tuyển trong thư giới thiệu: Dựa trên uy tín của người giới thiệu; nội dung giới thiệu (nhận xét sâu sắc hoặc sơ sài, thể hiện mức độ quan tâm của người giới thiệu đối với người dự tuyển).

  • Đánh giá đề cương nghiên cứu:

Chất lượng đề cương nghiên cứu: Được đánh giá dựa trên sự thuyết phục trong cách thức người dự tuyển đặt vấn đề nghiên cứu; mức độ sâu sắc và bao quát của phần tổng quan các lý thuyết và nghiên cứu có liên quan; tính khoa học của các phần mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu (rõ ràng), phương pháp nghiên cứu dự kiến (phù hợp), kế hoạch nghiên cứu (khả thi); sự trình bày chặt chẽ, logic và thuyết phục ở các nội dung khác…

  • Phỏng vấn:

Người dự tuyển trình bày về chủ đề dự định nghiên cứu (đề cương nghiên cứu) và kế hoạch thực hiện trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh. Các thành viên tiểu ban chuyên môn sẽ đặt các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá người dự tuyển về các mặt:

– Kiến thức: Mức độ nắm vững kiến thức ngành đăng ký dự tuyển; mức độ làm chủ dự định nghiên cứu, mức độ hiểu biết về bản chất vấn đề dự định nghiên cứu; sự am hiểu về yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, kiến thức và kỹ năng nghiên cứu, các phương pháp nghiên cứu, các công cụ nghiên cứu trong ngành…

– Khả năng triển khai thực hiện nghiên cứu: Kế hoạch học tập và triển khai nghiên cứu nếu trúng tuyển, lý giải điểm mạnh, điểm yếu và sự chuẩn bị chung của người dự tuyển.

– Tư chất cần có của một nghiên cứu sinh: Bao gồm năng lực nghiên cứu khoa học (khả năng phân tích, tổng hợp, cách diễn đạt chặt chẽ, logic…); thái độ (động cơ, sự chín chắn, tự tin, quyết tâm theo đuổi chương trình học tập và nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ); tư duy phản biện và các phẩm chất khác (sự ham hiểu biết, tính sáng tạo, kỷ luật, tính trung thực, khả năng tổ chức sắp xếp công việc, khả năng nghiên cứu độc lập và tổ chức nhóm nghiên cứu).

8. Chương trình đào tạo (Training Program)

Chương trình đào tạo gồm 90 tín chỉ được chia làm 2 phần chính: (i) Hoàn thành các học phần theo qui định (20 tín chỉ), (ii) viết luận án tiến sĩ (70 tín chỉ). Chi tiết của từng phần như sau:

8.1. Các học phần (Research Coursework): 20 tín chỉ

a) Các học phần về phương pháp nghiên cứu (Methodology) (8 tín chỉ)

(i) Thiết kế nghiên cứu (Research Design) 4 tín chỉ
(ii) Phương pháp định lượng/Kinh tế lượng (Quantitative Methods/Econometrics) 4 tín chỉ

b) Seminar về các chủ đề nghiên cứu trong ngành (Seminars on current research issues) (3 tín chỉ), chia làm 3 nhóm:

(i) Chủ đề quản trị (Management issues) 3 tín chỉ
(ii) Chủ đề tài chính – ngân hàng (Finance – Banking issues) 3 tín chỉ
(iii) Chủ đề kinh tế (Economic issues) 3 tín chỉ

c) Báo cáo 3 chuyên đề (Research topics) (9 tín chỉ)

(i) Tiểu luận tổng quan (Literature Review) 3 tín chỉ
(ii) Chuyên đề 1 (Research topic 1) 3 tín chỉ
(iii) Chuyên đề 2 (Reasearch topic 2) 3 tín chỉ
Tổng cộng 20 tín chỉ

8.2. Luận án tiến sĩ (thesis): (70 tín chỉ)

Luận án được thực hiện sau khi nghiên cứu sinh đã hoàn thành các học phần nêu trên. Luận án là một nghiên cứu độc lập, kết quả nghiên cứu thể hiện những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị gia tăng tri thức khoa học và giải quyết vấn đề đặt ra của đề tài luận án.

a) Điều kiện bảo vệ luận án

(i) Hoàn thành phần coursework

(ii) Là tác giả chính 2 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục WoS-Scopus Q3 trở lên. Nội dung các công trình phải liên quan đến luận án.

b) Các bước bảo vệ luận án

(i) Bảo vệ luận án tại khoa

(ii) Phản biện kín

(iii) Bảo vệ luận án cấp trường

9. Điều kiện tốt nghiệp

Nghiên cứu sinh phải hoàn thành nội dung chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Anh của trường bao gồm các học phần và đánh giá luận án ở các cấp khác nhau. Đồng thời nghiên cứu sinh phải là tác giả chính của 02 bài báo liên quan kết quả nghiên cứu của luận án đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục WoS-Scopus Q3 trở lên. Điều kiện quan trọng nhất là nghiên cứu sinh phải bảo vệ thành công luận án tiến sĩ trước Hội đồng đánh giá luận án cấp Trường.

10. Học phí, lệ phí xét tuyển:

Lệ phí dự tuyển: 1.650.000 đồng.

Hồ sơ dự thi đầu vào: 120.000 đồng

Mức học phí đào tạo tiến sĩ đang áp dụng trong năm 2021 là 25.625.000 đồng/học kỳ.

11. Học bổng:

Trường dành 20 suất học bổng Xuất sắc dành cho nghiên cứu sinh người nước ngoài trong thời gian đào tạo chính thức (4 năm) và tùy theo năng lực đầu vào của nghiên cứu sinh. Học bổng bao gồm: 100% học phí và phí nội trú ký túc xá tương đương $11.000USD, duy trì suốt thời gian học chính thức. Chi tiết về các điều kiện tham gia học bổng xem tại: https://dsa.ueh.edu.vn/hoc-bong/hb-ts-ta-svqt/

12. Thời gian tuyển sinh:

Thời gian đăng thông báo tuyển sinh: Tháng 9/2021.

Thời gian nộp hồ sơ dự tuyển từ ngày 01/11/2021 đến ngày 15/11/2021:

Người dự tuyển gửi bản mềm hồ sơ qua email: sdh@ueh.edu.vn

Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện theo địa chỉ: Viện Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, số 59C Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Thời gian phỏng vấn dự kiến tổ chức vào tháng 12/2021.

Thời gian công bố kết quả tuyển sinh: Tháng 12/2021.

Thời gian khai giảng và nhận giấy báo trúng tuyển: Tháng 12/2021.

Thông báo dự tuyển và kết quả xét tuyển được đăng trên website của Viện Đào tạo Sau đại học: www.sdh.ueh.edu.vn và gửi qua email của người dự tuyển.

Thông tin liên hệ: Viện Đào tạo Sau đại học – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 59C Nguyễn Đình Chiểu, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  028. 38235277 (ext 18) –  38295437