Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2021: Nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng: Giải bài toán số lượng sinh viên tốt nghiệp vượt nhu cầu tuyển dụng

Ngành Tài chính – Ngân hàng luôn là ngành có số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển cao ở mọi mùa tuyển sinh. Tuy vậy, các chuyên gia hàng đầu trong ngành nhận định rằng: “Số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Tài Chính – Ngân Hàng hằng năm vẫn luôn trong tình trạng “cung vượt cầu” nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng”. Như vậy, điều gì đang diễn ra trong thị trường việc làm của ngành ngân hàng, những cơ hội việc làm, những ảnh hưởng đến việc chọn ngành, chọn nghề của các em học sinh, và con em quý vị phụ huynh. Chúng ta sẽ giải bài toán này như thế nào? Tất cả sẽ được các thầy, cô, đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đến từ Khoa Ngân hàng, Khoa Tài chính và Khoa Tài chính công, Đại học Kinh Tế TP.HCM giải thích, định hướng và chia sẻ trong chương trình UTALK TƯ VẤN TUYỂN SINH TRỰC TUYẾN Đại học chính quy năm 2021 với chủ đề “Nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng: Giải bài toán số lượng sinh viên tốt nghiệp vượt nhu cầu tuyển dụng”.

Câu 1: Các chuyên gia nhận định thực tế nhân lực trong ngành Tài Chính – Ngân Hàng có trình độ đại học thì thừa, nhưng nhân lực chất lượng có khả năng thích nghi cao thì lại thiếu. Thực trạng này cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Trường Sinh:

Lượng cung nhân lực thực tế không hề thừa, tiềm năng thị trường ngành Ngân Hàng tại Việt Nam còn rất lớn. Khi Ngân Hàng tuyển dụng sẽ dựa theo lợi nhuận kỳ vọng của họ, quan trọng là nhân sự được tuyển vào sẽ đáp ứng được đến đâu.

Bản thân các ngân hàng ngoài việc cạnh tranh về khách hàng, về thị trường hay doanh thu thì còn cạnh tranh tìm kiếm nguồn nhân sự tốt (có kinh nhiệm, được đào tạo từ các trường có uy tín). Chính vì vậy dẫn đến việc khan hiếm nhân sự chất lượng.

Mr. Thomas Hung Tran:

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có một nguồn cung và cầu rất lớn đối với các ngành tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, dù có nhu cầu đó nhưng các công ty họ sẽ không vội vàng tuyển chọn ngay nhân sự mới ra trường mà muốn tìm được nhân sự phù hợp. Thành ra, có một sự chênh lệch về thời gian giữa điểm cung và điểm cầu trong thực tế khiến chúng ta hiểu nhầm là lượng cung vượt cầu. Nên sinh viên ra trường vẫn luôn có cơ hội để thể hiện, cho các tổ chức. Doanh nghiệp thấy được mình chính là người phù hợp với họ thì chắc chắn sẽ được tuyển dụng một cách thuận lợi.

Cô Hải Yến – Khoa Ngân hàng:

Tôi thấu hiểu cho sự băn khoăn của các bậc phụ huynh về lượng cung – cầu trên thị trường lao động ở tất cả các ngành. Tuy nhiên đối với ngành Tài Chính – Ngân Hàng thì nhu cầu đang rất lớn, định hướng của UEH là đào tạo nhân sự chất lượng cao. Để đạt được điều đó cần 3 yếu tố:

– Chương trình đào tạo: các khoa thuộc ngành Tài Chính – Ngân Hàng xây dựng chương trình đào tạo dựa theo chương trình của các trường thuộc Top 100 trên Thế giới.

– Đội ngũ giảng viên của trường nói chung và các khoa nói riêng thì chất lượng đội ngũ giảng viên là rất cao.

– Thêm nữa, đầu vào của sinh viên trong các mùa tuyển sinh luôn ở Top cao trong tất cả các trường. Sinh viên trong 5 – 10 năm trở lại đây, ngay khi đi thực tập thì 50% sinh viên được các ngân hàng, công ty chứng khoán và các quỹ nhận vào làm nhân viên tập sự. Chỉ sau 6 tháng ra trường thì 98 -100% sinh viên đã có việc làm tương ứng với nguyện vọng của các bạn.

Như vậy, cung tuy vượt cầu nhưng đối với nguồn nhân sự chất lượng cao được đào tạo bởi UEH thì lượng cung không đủ cho cầu.

Thầy Đạt Chí – Khoa Tài chính:

Như các khách mời đã chia sẻ về nhu cầu của Ngành Tài Chính – Ngân Hàng theo một xu hướng tất yếu của nền kinh tế đang phát triển. Tôi xin được cung cấp thêm thông tin đến các bạn học sinh đó là UEH là nơi được TP.HCM giao trọng trách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khối ngành Tài Chính – Ngân Hàng và là một ngôi sao sáng chứng tỏ năng lực cũng như uy tín của UEH trong lĩnh vực đào tạo nhân sự chất lượng cao.

Ông Lê Hữu Nguyên:

Hiện nay không phải chỉ ngành Tài Chính – Ngân hàng mà gần như các lĩnh vực, ngành nghề, ngay cả bản thân MISA – công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng gặp vấn đề tương tự. Vấn đề ở đây là chương trình đào tạo phải gắn với thực tiễn để khi sinh viên ra trường có thể lựa chọn được ngành nghề và có sự tiếp cận nhanh hôn. Ngoài ra, việc này cũng phụ thuộc vào lựa chọn ngành nghề khi sinh viên bước vào trường đại học, vì hiện nay cơ hội nghề nghiệp, môi trường làm việc có rất nhiều sự lựa chọn. Vậy thì, để giải quyết bài toán này, thứ nhất, sinh viên cần có sự lựa chọn tốt, định hướng tốt khi lựa chọn nghề nghiệp; thứ hai, chương trình đào tạo cần phải gắn liền thực tiễn, phối hợp với doanh nghiệp để làm sao sinh viên ra trường có thể thích ứng công việc một cách nhanh nhất.

Câu 2: Các chuyên ngành khoa Tài chính công thì thị trường việc làm có vẻ hạn hẹp hơn so với ngành Tài Chính – Ngân Hàng, theo quan điểm của thầy Thắng thì vấn đề này đúng sai như thế nào?

Thầy Hồng Thắng – Khoa Tài chính công:

Ngành của chúng tôi cung cấp các nhân sự làm việc cho các tổ chức Nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế biến đổi mỗi ngày, vì vậy khoa cũng thường xuyên cập nhật và tham khảo thêm từ các cựu sinh viên hiện đang có vị trí tốt trong các cơ quan nhà nước.

Chúng tôi trao đổi, lắng nghe để nắm bắt khu vực Nhà nước cần các phẩm chất gì ở sinh viên. Sau đó, kết hợp với tham khảo các chương trình đào tạo của các trường nằm trong Top 100 trên Thế giới đế cung cấp cho các bạn sinh viên những môn học, ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu không chỉ về mặt hàn lâm mà còn về hành chính quốc gia và nền tài chính Đất nước.

Cái tên Tài Chính Công có thể khiến các bạn hơi băn khoăn, nên chúng tôi đã đào tạo theo khuynh hướng mở để các bạn không chỉ làm việc trong khu vực Nhà nước mà còn có thể làm việc tại các ngân hàng, doanh nghiệp, các định chế tài chính nữa. Hi vọng khoa Tài chính công cung cấp được dịch vụ phù hợp với yêu cầu của các bạn!

Câu 3: Trong khoa Tài chính công có những chuyên ngành nào?

Thầy Hồng Thắng – Khoa Tài chính công:

Hiện nay khoa Tài chính công có 4 chuyên ngành: Tài Chính Công, Quản Lý Thuế, Thuế Trong Kinh Doanh và Quản Trị Hải Quan Ngoại Thương. Có thể chia Tài Chính Công và Quản Lý Thuế là nhìn ở góc nhìn Nhà nước còn Thuế Trong Kinh Doanh và Quản Trị Hải Quan Ngoại Thương hướng về phía doanh nghiệp nhiều hơn.

 

Câu 4: Với khối ngành Ngân Hàng, Tài Chính và Tài Chính Công, điều gì sẽ quyết định sự lựa chọn của các bạn sinh viên? Mô tả 3-5 tố chất mà sinh viên có sẽ phù hợp với ngành này?

Cô Hải Yến – khoa Ngân hàng:

Nếu như bạn nào mạnh về các con số thì sẽ là một trong các tố chất khi đăng ký vào ngành Tài Chính – Ngân Hàng. Thứ hai, đây là ngành về cung ứng dịch vụ nên ngoài kiến thức học ở trường thì còn cần rất nhiều sự cầu tiến, biết lắng nghe và luôn dựa trên quan điểm có lợi giữa doanh nghiệp sau này mình sẽ cung ứng dịch vụ và khách hàng.

Ông Nguyễn Trường Sinh:

Để là một nhân viên làm ngân hàng tốt thì cần hướng ngoại, năng lực giao tiếp người – người tốt một chút.

Các trường nên hướng nghiệp cho các bạn để xem nên chọn ngành nào cho phù hợp và đặc biệt là ngoài tố chất hướng ngoại, kỹ năng giao tiếp thì cần các sân chơi để các bạn có thể trui rèn các kỹ năng của mình hơn. Vì ăn nói trước đám đông, thuyết phục những người xung quanh mình về một vấn nào đó cần phải đào tạo rất là nhiều. Như vậy sẽ tiện lợi hơn cho ngân hàng khi tuyển dụng.

Không thể đòi hỏi được 100% nhân viên sáng tạo nhưng chúng ta đòi hỏi sự nhạy bén và chấp nhận cái mới vì xã hội luôn thay đổi và càng ngày thay đổi càng nhanh.

Thầy Đạt Chí – khoa Tài chính:

Thiết nghĩ có 2 vấn đề chính. Bạn có yêu thích ngành Tài Chính – Ngân Hàng hay không? Nếu bạn có một sự đam mê, yêu thích nó thì bạn sẽ chăm sóc nó trong một chặng đường học tại UEH.

Thứ hai, ngành Tài Chính – Ngân Hàng rất là nhạy bén với sự biến động của tài chính quốc tế, cho nên ngoại ngữ là điều cần phải có để hòa nhập. Phần còn lại là các kỹ năng, kiến thức tiếp thu được thông qua các môn học mà các thầy cô sẽ đào tạo cho các bạn.

Mr. Thomas Hung Tran:

Các yếu tố nếu không có nó thì các bạn nên chọn các ngành khác thay vì Tài Chính – Ngân Hàng:

Thứ nhất, tư duy dám nghĩa dám làm. Bản chất các ngành Tài Chính – Ngân Hàng là làm rất nhiều vấn đề về tiền. Tiền cung cấp cho doanh nghiệp để phát triển, cung cấp cho các tổ chức để mở rộng kinh doanh. Các bạn sẽ phải làm việc nhiều với con người các các thể loại hợp đồng chứng từ khác nhau. Nếu quá nhút nhát thì không phù hợp.

Thứ hai, Sự đam mê và tò mò về các hoạt động kinh tế xảy ra xung quanh các bạn. Luôn đặt câu hỏi tại sao, cách mà nền kinh tế hoạt động như thế nào thì mới học ngành Tài Chính – Ngân Hàng được.

Cuối cùng, tầm nhìn dài hạn. Vì đây là ngành rất là phát triển ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa các bạn sẽ phải cạnh tranh với sinh viên trong khu vực nữa. Nếu không nghĩ dài hạn, không phát triển các kỹ năng cần có để cạnh tranh thì khi Việt Nam mở cửa trong vài năm nữa thì sẽ rất là khó khi lao động các nước khác gia nhập vào thị trường.

Ông Lê Hữu Nguyên:

Sinh viên phải chấp nhận thử thách, muốn chinh phục nhiều mục tiêu và mong muốn có thu nhập cao. Đó là những điều mà sinh viên khi lựa chọn ngành nghề cần lưu ý.

Bời vì, trong ngành kinh tế khi ra làm việc thì mục tiêu và thử thách luôn luôn tăng dần qua từng năm và liệu sinh viên có chịu được áp lực đấy hay không, có chấp nhận được điều đấy không, thì sinh viên cần đặt mình vào tư thế sẵn sàng về mặt tâm thế, cảm thấy những tố chất đấy mình có đáp ứng được không thì sẽ lựa chọn được ngành nghề phù hợp.

Thầy Hồng Thắng – khoa Tài chính công:

Ngoài tố chất về mảng Ngân Hàng, Tài Chính Doanh Nghiệp thì ở Tài Chính Công nếu những bạn sinh viên ham tìm tòi, nghiên cứu về các thể chế hành chính, thể chế chính trị ở đất nước thì sẽ hiểu được đồng tiền trong bộ máy nhà nước vận hành từ TW tới địa phương cho tới cấp cơ sở sẽ được chi ra như thế nào (Dòng tiền trong bộ máy nhà nước).

Thứ hai, nghiên cứu các biến cố về chính trị xã hội ở các quốc gia khác không chỉ riêng Việt Nam. Vì các biến động trong bầu cử, chiến sự, xung đột ở các quốc gia khác có thể ảnh hưởng về chi tiêu không chỉ trong nội bộ một đất nước mà có thể thúc đẩy các yếu tố quốc tế khác thay đổi (đồng USD, giá dầu mỏ,…) ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

 

Câu 5: Đến thời điểm này, bạn nghĩ mình đã chọn đúng hay sai ngành học?

Bạn Hoàng Phúc – Sinh viên khoa Tài chính công:

Đối với em, việc chúng ta học một ngành sẽ không thể hiện là chúng ta sẽ đi với nó lâu dài. Chúng ta sẽ có những kỹ năng học được từ đó để sử dụng trong cuộc sống như thế nào tùy thuộc vào bản thân mình. Không chỉ học từ trường lớp, các thầy cô mà chúng em còn có thể tìm tòi, học hỏi được từ xung quanh như các buổi workshop, các chương trình bên ngoài để phát triển hơn. Chúng em có thể làm ngành này hoặc các ngành khác nữa.

Bạn Minh Phong – Sinh viên khoa Ngân hàng:

Đến thời điểm hiện tại, em cảm thấy việc chọn khoa Ngân Hàng là lựa chọn đúng đắn của em ngay từ năm đầu tiên. Ở khoa Ngân Hàng, tụi em được đào tạo và nhận được sự quan tâm của các thầy cô rất nhiều. Ngoài các vấn đề học tập ở trên lớp, các hoạt động ngoại khóa và phát triển thêm các kỹ năng bên ngoài. Các thầy cô, đặc biệt là ban lãnh đạo khoa tạo điều kiện cho chúng em rất nhiều.

Bạn Linh Chi – Sinh viên khoa Tài chính:

Thường các bạn học sinh cấp 3 sẽ không định hướng rõ ràng được là mình đam mê cái gì, muốn cái gì. Em thấy mình đam mê những con số, những vấn đề về kinh tế. Và đó là lý do mà em chọn học ngành Tài Chính, đến bây giờ vẫn không hề hối hận vì em đã được nhận sự giúp đỡ của các thầy cô ngay từ năm đầu tiên. Các bạn sinh viên UEH không chỉ lo học, các bạn còn rất chăm chỉ các phong trào, hoạt động nên em nghĩ đây là một môi trường để các bạn sinh viên phát triển rất mạnh.

Ngành Tài Chính quả thực là khó, nhưng như Mr. Thomas đã chia sẻ thì mình phải có bản lĩnh dám nghĩ – dám làm. Ngành này thôi thúc em thực hiện nó và giúp em có thể phát triển toàn diện bản thân mình hơn.

Câu 6: Cô Yến có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự khác biệt giữa các khoa cũng như các ngành, chuyên ngành đào tạo ra sao?

Cô Hải Yến – khoa Ngân hàng:

Cái chung của 3 khoa là đào tạo các chuyên ngành thuộc ngành Tài Chính – Ngân Hàng. Chương tình đào tạo của 3 khoa có 50-60% cơ bản giống nhau. Đi chuyên sâu thì các bạn có mong muốn, tố chất nào vượt trội hơn thì đăng ký khối ngành chuyên sâu của mình. Và 40-50% sự khác biệt trong chương trình đào tạo là của từng ngành, chuyên ngành.

Để thông tin cho quý phụ huynh, các bạn sinh viên lựa chọn chuyên ngành để học thì khoa Ngân Hàng cung ứng các chuyên ngành thuộc 2 lĩnh vực huy động vốn: qua kênh ngân hàng và qua kênh chứng khoán.

Huy động vốn qua kênh ngân hàng hiện đang có hai chuyên ngành là Ngân Hàng, Ngân Hàng Quốc Tế.

Các khối kiến thức về tài chính, đi sâu vào nghiệp vụ của các ngân hàng, có những bộ phận chức năng nào thì chương trình đào tạo sẽ tập trung giảng dạy những kiến thức để sinh viên khi tốt nghiệp có thể ứng tuyển ngay vào các bộ phận này. Ngoài ra, thay đổi theo nhu cầu thị trường thì khoa có bổ sung các môn thuộc nhóm quản trị để hiểu được các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng thay đổi về quản trị như thế nào trong thời đại 4.0. Ví dụ: Quản trị sự thay đổi, Quản trị đa văn hóa, blockchain, ngân hàng số …

Đối với mảng thứ hai, kênh huy động vốn thông qua phát hành các chứng khoán của các doanh nghiệp thì khoa có hai chuyên ngành là Thị Trường Chứng Khoán và Ngân Hàng Đầu Tư. Sự khác biệt giữa hai chuyên ngành đó là gì?

Thị Trường Chứng Khoán là giảng về vận hành của thị trường là như thế nào. Để các doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể hiểu được và đưa ra những quyết định huy động vốn phù hợp.

Còn chuyên ngành Ngân Hàng Đầu Tư thì bây giờ doanh nghiệp rất khó phát hành chứng khoán trực tiếp cho các nhà đầu tư mà phải thông qua trung gian. Ngân hàng đầu tư sẽ tư vấn, giúp các doanh nghiệp làm sao để có thể có được nguồn vốn này song song với nguồn vốn vay ngân hàng. VD: Tư vấn về tài chính, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tái cấu trúc doanh nghiệp, định giá doanh nghiệp …

Ngoài khách hàng doanh nghiệp, các khách hàng cá nhân cũng được đề cập và tập trung đào tạo trong chuyên ngành đào tạo của Ngân Hàng Đầu Tư.

 

Câu 7: Làm thế nào để cảm nhận được tình yêu, niềm đam mê dành cho ngành của một người?

Ông Nguyễn Trường Sinh:

Đối với ngành Ngân Hàng, thường mình sẽ để ý xem sự tìm hiểu của bạn sinh viên, nhân sự đó về ngành như thế nào. Kiến thức họ biết được về sự vận hành của ngành Ngân Hàng trong nền kinh tế, sự khác biệt giữa ngân hàng A và ngân hàng B, những ngành đặc thù mà tương lai họ muốn làm việc?

Họ tự tìm tòi do đam mê hoặc tiếp thu tốt từ các bài giảng dạy của các thầy cô trên lớp sẽ chứng minh họ yêu thích ngành này như thế nào.

Mr. Thomas Hung Tran:

Trong ngành Tài Chính, đầu tiên trong các cuộc trao đổi với các bạn mới ra trường đi nộp đơn vào các vị trí tài chính trong công ty thì anh sẽ trò chuyện cùng họ về các diễn biến trên thị trường đã xảy ra ở Việt Nam và quốc tế để xem là họ có ý muốn tiếp tục câu chuyện với mình hay không. Vì một người thực sự đam mê ngành tài chính thì khi chỉ cần nói đến vấn đề cụ thể nào đó, họ sẽ chia sẻ ngay là đã nghe qua về tình huống đó, biết về các thông tin liên quan, cảm nhận được “lửa” của họ.

Câu 8: Khoa Tài Chính có những nhóm ngành, chuyên ngành nào cụ thể thưa thầy Chí?

Thầy Đạt Chí – khoa Tài chính:

Khoa Tài Chính đang đảm nhận đào tạo chuyên ngành Tài Chính Quốc Tế, ngành Bảo Hiểm và cùng tham gia với các khoa đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Tài Chính – Ngân Hàng. Khoa Tài Chính còn có một số chương trình đào tạo được liên kết với các trường có uy tín trên Thế giới. VD: Cử nhân Tài Chính – Ngân Hàng – Tài Chính Ứng Dụng (Thích ứng với xu hướng, sự thay đổi trong công nghệ ảnh hưởng đến ngành Dịch vụ Tài chính); Chương trình liên kết với Đại học Aberdeen (Nhân sự mảng Tài Chính – Ngân Hàng tại UEH đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực trong nước và hòa nhập với xu hướng hội nhập)

Các bạn còn có thể tìm hiểu thêm những cái chuyên sâu của mảng Tài Chính – Ngân Hàng như: Ngân Hàng, Tài Chính, Quản Trị Rủi Ro, Quản Lý Thuế, Hải Quan …

 

Câu 9: Những điều cần gửi gắm dành cho các bạn sắp là tân sinh viên cho UEH

Mr. Thomas Hung Tran:

Như anh đã chia sẻ từ đầu, các bạn đang ở độ tuổi rất là trẻ, các bạn phải có ước mơ dám thực hiện ước mơ đấy và dám vươn xa. Việt Nam mình sắp đi qua quá trình hòa nhập với các nước trong khu vực, sớm hay muộn các bạn cũng sẽ phải cạnh tranh với nhân lực từ các nước ấy.

Bản thân anh là khóa 32 của UEH, cách đây hơn 10 năm rồi. Lúc đó anh chưa bao giờ nghĩ sẽ kết thúc công việc của mình tại Việt Nam, cũng không muốn cạnh tranh với các bạn trong khu vực. Tư duy của anh lúc ấy là đã đi xa thì đi xa hết mức, đến tận Vương quốc Anh. Trong vòng 10 năm anh đi qua hơn 20 quốc gia, làm việc với rất nhiều vị trí từ Tội Phạm Tài Chính – Ngân Hàng, Điều tra Gian lận cho đến Tư vấn Tài chính. Đó là những trải nghiệm rất hay, nếu từ đầu tư duy của anh không như thế thì anh đã không đi xa được vậy.

Điều anh muốn gửi gắm đến các bạn: Các bạn làm được, phải có tư duy làm được ngay từ đầu thì mới vượt qua được chính mình để cạnh tranh với thị trường khu vực và thị trường thế giới!

Ban đầu người Việt mình khi mới đi làm thì khá tự ti, không chỉ về ngôn ngữ mà còn văn hóa nữa. Mình cảm thấy mình không bằng được họ, điều đó không có nghĩa là mình phải quay đầu. Ông bà có câu “Thất bại là mẹ của thành công”. Mình không thất bại thì sẽ không biết là còn yếu ở chỗ nào để mà khắc phục đâu. Vì thế đừng bao giờ quay đầu lại, hãy cứ tiến lên từng chút một, rồi sẽ có ngày bạn ở trên đỉnh Everest. Với sức trẻ, các bạn chỉ cần có ý chí kiên định nữa là sẽ thành công.

Ông Lê Hữu Nguyên:

Theo tôi, trước khi lựa chọn ngành nghề trong tương lai của mình, trước tiên chúng ta phải xem thử bản thân mình có tố chất, sở thích gì, sau đó từ những tố chất, sở thích đấy, chúng ta sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp. Để khi tốt nghiệp, chúng ta làm trong một môi trường mà mình đam mê, bở vì khi có đam mê chúng ta mới phát huy được hết khả năng, năng lực của bản thân. Vậy nên các bạn có thể lựa chọn theo sở thích, đam mê của mình.

Câu 10: Nếu một ngày nhận ra mình yêu thích ngành Tài Chính thì bắt đầu tìm hiểu nó liệu có muộn không?

Mr. Thomas Hung Tran:

Anh nghĩ không bao giờ là muộn. Các tỷ phú trên thê giới đa phần đều làm giàu sau tuổi 50. Ông chủ của gà rán KFC làm giàu trên tuổi 60, thành ra trên con đường của các bạn không bao giờ là trễ cả. Ý chí kiên định là quan trọng nhất, ngoài ra anh cũng muốn nhắc luôn là các bạn phải xây dựng được các mối quan hệ của mình trong quá trình đi làm. Vì một ngày nào đó khi muốn quay đầu lại, cản trở bởi tuổi tác thì bạn sẽ cần một người mà bạn biết và có uy tín trên thị trường để nâng các bạn lên, đưa các bạn trở lại quỹ đạo của mình. Như vậy, các bạn sẽ luôn có sự lựa chọn, không bao giờ quay đầu lại là trễ cả!

Câu 11: Những chuyên ngành cụ thể trong khoa Tài chính công?

Thầy Hồng Thắng – khoa Tài chính công:

Khoa Tài chính công có 4 chuyên ngành:

Chuyên ngành lâu đời nhất là Tài Chính Công, chúng tôi nghiên cứu về các dòng tiền trong khu vực Nhà nước từ TW cho tới cấp cơ sở, đầu vào như thế nào, sử dụng ra sao. Các vấn đề về thâm hụt ngân sách, Chính phủ lâm vào cảnh túng quẫn thì sẽ nghiên cứu như thế nào…

Chuyên ngành thứ hai: Quản Lý Thuế. Chúng tôi nghiên cứu về chính sách, về quy định pháp luật về thuế được áp dụng với các doanh nghiệp.

Mảng thứ 3, đứng về phía người nộp thuế: Thuế Trong Kinh Doanh. Tất cả chúng ta tương lai đều sẽ nộp thuế. Vậy có những hoạch định, thu xếp về thuế như thế nào để không vi phạm pháp luật mà có thể giảm bớt được gánh nặng của nó.

Cuối cùng là Quản Trị Hải Quan – Ngoại Thương. Đây là một mảng mới dựa trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu đào tạo thực tế, được phát triển mang tính chất liên ngành từ hải quan, vận tải, thủ tục…

 

Câu 12: Có ý kiến cho rằng nếu không có người đi trước dìu dắt thì rất khó để tiếp cận lĩnh vực Tài Chính Công. Quan điểm của thầy Thắng về vấn đề này ra sao?

Thầy Hồng Thắng – khoa Tài chính công:

Đây là điều mà chúng tôi cũng trăn trở chứ không chỉ các bạn sinh viên. Vì chữ “công” có thể khiến các bạn nghĩ nó thiên về khu vực Nhà nước. Tuy nhiên nếu các bạn truy cập vào trang web của khoa Tài chính công, các bạn sẽ thấy có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp khoa nhưng đảm đương các vị trí không chỉ trong các khu vực Nhà nước mà còn ở lĩnh vực Ngân hàng, quản trị tại chính bệnh viện, quản trị tài chính các đơn vị cung cấp dịch vụ công nữa.

Các quý phụ huynh cứ an tâm. Khi gửi con em vào khoa Tài chính công thì chúng tôi sẽ có đội ngũ các bạn trợ lý sẽ chăm sóc, giải quyết, trả lời những câu hỏi cũng như có những định hướng nghề nghiệp cho các bạn ngay sau khi các bạn tốt nghiệp.

 

Câu 13 : Trong quá trình học tập tại trường thì mình đã được tham gia những hoạt động gì? Cảm nhận về những kiến thức mà mình học được?

Bạn Hồng Phúc – Sinh viên khoa Tài chính công:

Khi nghe nói về sinh viên khoa Tài Chính Công thì các bạn sẽ nghĩ đó là những sinh viên trầm tính, điềm tĩnh. Em khẳng định là không phải, bởi vì bản thân mình là một ví dụ, em nhận thấy bản thân có một sự năng động và nhiệt huyết nhất định, thậm chí có thể vượt hơn so với các bạn khác.

Chúng em không chỉ học hành mà còn tham gia những hoạt động ngoại khóa, thể thao, tình nguyện. Thậm chí chung em còn tổ chứng những cuộc thi học thuật, workshop dành cho những bạn sinh viên khoa mình và cả những khoa khác nữa.

Khi học khoa Tài Chính Công, chúng em còn có 2 CLB học thuật chuyên ngành đó là CLB Thuế dành cho nhóm sinh viên nghiên cứu thuế (Taxgroup) và CLB tiếng Anh (Apple). Hai CLB này không chỉ mang các kiến thức về thuế hay Anh văn mà còn có những cuộc thi mang tầm cỡ như là Vận Dụng Thuế Trong Kinh Doanh và ISPELL.

Chúng em chưa bao giờ là những sinh viên thụ động, trầm tính mà chúng em luôn phát triển mình để tạo ra những chương trình, những cuộc chơi tốt hơn cho sinh viên. Từ đó nâng cao kỹ năng của các bạn, đưa các bạn lên một tầm mới, có thể đưa ra một kế hoạch chỉn chu và có thể áp dụng vào cuộc sống. Chúng em nghĩ đây là một lợi thế khi các bạn không chỉ học chuyên ngành mà còn có cơ hội để tự mình dấn thân vào những cuộc chơi khác.

Bên cạnh đó, những anh chị cựu sinh viên của khoa cũng có chia sẻ, hướng dẫn tụi em kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm trong công việc trên con đường sau này.

 

Câu 14: Có bao giờ Phong cảm thấy cực kỳ tự tin khi là sinh viên khoa Ngân Hàng UEH không?

Bạn Minh Phong – Sinh viên khoa Ngân hàng:

Tụi em có quyền tự tin về vấn đề đó. Bởi vì sinh viên UEH nói chung và sinh viên khoa em nói riêng, các bạn rất là tự tin và năng động trong môi trường hiện tại. UEH là một trường rất năng động, tạo ra một môi trường cho sinh viên có thể tự đào tạo, tự trui rèn mình.

Riêng với khoa Ngân Hàng, ngoài việc học tập trên lớp cũng như các hoạt động ngoại khóa thì còn có một CLB chứng khoán SCUE đã đạt kỷ lục Guiness là “Sàn chứng khoán ảo đầu tiên tại Việt Nam”.

Đồng thời trong quá trình trau dồi đó, các thầy cô ở bên cạnh giúp đỡ tụi em rất nhiều. Những hoạt động tình nguyện, về những vùng sâu vùng xa trong chiến dịch Sinh Viên Kinh Tế hay chiến dịch Xuân Tình Nguyện; Tụi em còn được tham gia các hội thảo được phối hợp tổ chức bởi Đoàn khoa về chuyên ngành mà tụi em đang theo học. Được học hỏi từ các anh chị cựu sinh viên cũng như các chuyên gia đầu ngành trong khối ngành Tài Chính – Ngân Hàng.

Câu 15: Em đã chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng gì để trở thành một người phụ nữ hiện đại, một nữ doanh nhân thành đạt?

Bạn Linh Chi – Sinh viên khoa Tài chính:

Sinh viên không nên chỉ học mà cũng nên tham gia các hoạt động phong trào. Thực tế bây giờ các bạn sinh viên đang bị gói gọn lại kỹ năng sống cũng như các kỹ năng mềm. Vậy nên đối với môi trường UEH, chúng em không đơn thuần chỉ học trên giảng đường, mà còn có các phong trào Đoàn – Hội, ví dụ như khoa Tài chính có Nhóm Sinh viên Nghiên cứu tài chính (SFR), Nhóm Hỗ trợ sinh viên (SSG), đó là những nơi cho chúng em phát triển không chỉ về học thuật mà còn những kỹ năng mềm trong cuộc sống. Thật ra, ban đầu có thể mọi người nghĩ ngành Tài chính rất khô khan, nhưng thực chất đối với em muốn vào ngành Tài chính thì mình phải là người năng động, vì Tài chính không đơn giản chỉ là những con số mà cần phải hiểu về marketing, quản trị,… Thầy, Cô ở khoa cũng rất hỗ trợ sinh viên trong các phong trào, học thuật, nghiên cứu khoa học, tình nguyện. Đó là môi trường giúp em phát triển bản thân và trải nghiệm nhiều. Đó là những ưu điểm tại môi trường UEH.

► Xem thêm bộ Q&A về nhóm ngành Tài chính – Ngân hàng (tại đây)

► Xem thêm thông tin tại www.tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn.

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông, Khoa Ngân hàng, Khoa Tài chính, Khoa Tài chính công.

ĐỐI TƯỢNG HƯỚNG NGHIỆP

SỰ KIỆN TUYỂN SINH