[Báo Sài Gòn Giải Phóng] Mong muốn xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế để cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực là mong muốn chính đáng, không chỉ để phục vụ phát triển kinh tế mà còn là tầm vóc của một dân tộc.
Ngày 5-7, TPHCM đã ban hành Quyết định 2426/QĐ-UBND về việc “phê duyệt đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế” với 8 ngành đào tạo chủ lực, trong đó có ngành tài chính – ngân hàng.
Sự dịch chuyển thị trường lao động
Báo cáo gần đây của McKinsey, cho thấy nhu cầu về nguồn nhân lực ngành tài chính chuyên nghiệp gia tăng và đến 2030 khoảng 8-9%, với các vị trí công việc sẽ mới hoàn toàn, nhiều vị trí công việc hiện tại sẽ chuyển hóa đáp ứng sự thay đổi của công nghệ.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (2020) (World Economic Forum – WEF) nhận định, sẽ có khoảng 65% công việc mới xuất hiện trong tương lai liên quan đến những ngành nghề sản sinh từ các mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, tài chính công nghệ – FinTech, và đó là xu hướng.
Dự báo cũng cho thấy trong 20 năm tới, khoảng 56% số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) có nguy cơ bị mất việc do robot và hệ thống tự động hóa. Số liệu này hàm ý sự chuyển dịch từ nguồn nhân lực truyền thống sang nguồn nhân lực chất lượng cao, và dĩ nhiên phải có khả năng tiếp cận quốc tế.
Lĩnh vực ngân hàng đã và đang có chiến lược tái cấu trúc về mặt số hóa hệ thống, từ việc vận dụng các nền tảng số trong quản lý và giao dịch. Tại Việt Nam chính là hệ thống LiveBank có sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đang dần thay thế các giao dịch viên truyền thống.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đổi số cho ngành ngân hàng đến năm 2025, với ngành dịch vụ tài chính đóng vai trò tiên phong cho quá trình số hóa toàn diện và lấy con người làm trung tâm. Khi đó, các ngân hàng không chỉ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp công nghệ trong nước, mà phải mở rộng ra phạm vi toàn cầu, nhằm hướng đến đội ngũ lao động đủ khả năng tiếp thu và ứng dụng những công nghệ chuyển giao, công nghệ mới cho Việt Nam.
Kết quả khảo sát từ PwC Việt Nam năm 2020 đối với các tổ chức dịch vụ, tài chính đã cho thấy có 49% nhân viên e ngại rằng sẽ bị mất việc vì hệ thống tự động hóa và bày tỏ nguyện vọng nâng cao kiến thức, đặc biệt là lĩnh vực tài chính công nghệ. Điều này hàm ý tồn tại vấn đề thừa nhân sự truyền thống, thừa nơi tuyển dụng, nhưng lại thiếu nguồn nhân lực có trình độ cao và đạt chất lượng quốc tế.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ngay từ năm 2018, Báo cáo của Earn & Young đã dự báo xu hướng công nghệ có khả năng thực hiện khoảng 30% công việc ở các ngân hàng thương mại trong những năm tới, giảm số lượng công việc hiện tại của đội ngũ nhân sự. Một số ngân hàng tham gia khảo sát cho biết sẽ cắt giảm 20-30% nhân viên đến hết năm 2022. Xu hướng thay đổi này đòi hỏi nguồn nhân lực trong tương lai phải có kỹ năng về công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế.
Lâu nay chương trình Tài chính của khoa Tài chính – UEH đã thu hút nhiều sinh viên chất lượng cao tiếng Anh và tiếng Việt để đào tạo nguồn nhân lực tài chính ứng dụng công nghệ
Đào tạo nguồn nhân lực
Đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học và cao học có trình độ quốc tế là mục tiêu được xác định trong kế hoạch 2225/KH-UBND, về triển khai Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Đây cũng là mục tiêu được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngày 22-6-2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, quy định về chuẩn chương trình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đào tạo phải cập nhật lại chương trình đào tạo để đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Tại cuộc Hội thảo trực tuyến “Đổi mới chương trình đào tạo…” do VACPA, ACCA kết hợp với Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức ngày 12-8-2021. Các nhà khoa học đến từ các trường đại học lớn trên thế giới cũng đưa ra những xu hướng và những thay đổi trong chương trình đào tạo và nội dung đào tạo hiện nay ở các trường để đáp ứng nguồn nhân lực.
Theo đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế của TPHCM, Trường Đại học Kinh tế TPHCM thực hiện 2 đề án, trong đó khoa Tài chính phụ đề án ngành Tài chính – ngân hàng.
Theo TS. Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính – UEH, khoa Tài chính thực hiện xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế theo yêu cầu của nhà trường từ năm 2014 và vừa qua tiếp tục đánh giá và điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tích hợp công nghệ và đáp ứng quá trình quốc tế hóa chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo bổ sung thêm những nội dung về ứng dụng công nghệ, mô hình hóa và tài chính định lượng… để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Đó cũng là lý do mà chương trình Tài chính của khoa Tài chính – UEH được sự quan tâm của xã hội, thu hút nhiều sinh viên chất lượng cao tiếng Anh và tiếng Việt đăng ký. Khoa Tài chính tăng cường liên kết đào tạo với nhiều trường đại học danh tiếng đến từ Anh (Aberdeen), Pháp (Rennes 1) trong việc đào tạo các chương trình Tài chính và Tài chính ứng dụng, Tài chính định lượng để cung cấp nguồn nhân lực có trình độ quốc tế đáp ứng xu hướng đòi hỏi của thị trường tài chính, của các tổ chức tài chính, các ngân hàng…
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng