Ngày 05/7/2024, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 6, TP.HCM tổ chức thành công chuyến nghiên cứu thực tế chuyên đề “Chuyển đổi số và phát triển kinh tế tại Quận 6, TP.HCM” cho đoàn học viên lớp Thạc sĩ điều hành cao cấp chính sách công (EMPP2).
Là đơn vị hành chính đầu tiên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đưa vào vận hành Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7, những năm qua, quá trình chuyển đổi số nói chung, công tác cải cách hành chính nói riêng của Ủy ban nhân dân Quận 6 ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2023, Ủy ban nhân dân Quận 6 xếp hạng 10/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức; 6 tháng đầu năm 2024, qua kết quả tự đánh giá, Ủy ban Nhân dân Quận 6 đạt 577.32/660 điểm, tạm thời xếp hạng 05/22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Do đó, để giúp các học viên EMPP2 hiểu rõ hơn về cách các địa phương thực thi chính sách, Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH (UEH-CELG) đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 6, TP.HCM tổ chức chuyến nghiên cứu thực tế chuyên đề “Chuyển đổi số và phát triển kinh tế tại Quận 6, TP.HCM”, tập trung nghiên cứu, trao đổi với địa phương về mô hình tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Quận 6; chiến lược chuyển đổi số, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai chương trình Chuyển đổi số tại Ủy ban nhân dân Quận 6.
Trên cơ sở xác định đặc thù của Quận 6 là một trong những quận có đông đồng bào người Hoa, hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các học viên đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những khó khăn trong việc lãnh đạo cũng như kinh nghiệm trong triển khai chiến lược chuyển đổi số; niềm tin, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương, giải pháp chuyển đổi số của chính quyền. Trước các vấn đề đặt ra, ông Nguyễn Huy Thắng – Quận ủy viên, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Quận 6 đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích; trong đó, xác định nhân tố quan trọng đối với quá trình chuyển đổi số là nhận thức và quyết tâm chính trị của người đứng đầu, từ đó, mới có thể kêu gọi sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị quận; các giải pháp chuyển đổi số ngoài việc theo đúng định hướng chung của Thành phố, cần cân nhắc nguồn lực, khả năng đội ngũ, đồng thời phải luôn hướng đến mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”.
Liên quan đến thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Quận, bà Trương Thị Quý Anh – Đội Phó Đội cảnh sát QLHC về TTXH Công an Quận 6 đã thông tin thêm một số kết quả nổi bật của Quận thông qua những số liệu cụ thể liên quan phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số; việc hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Bên cạnh đó, đoàn học viên EMPP2 đã được tham quan Văn phòng một cửa có ứng dụng chuyển đổi số, đặc biệt, tìm hiểu và tham gia thao tác trực tiếp trên Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7 của Quận 6.
Tham quan, tìm hiểu tại bộ phận Một cửa có ứng dụng chuyển đổi số
Tìm hiểu và tham gia thao tác trực tiếp trên Hệ thống tiếp nhận và trả hồ sơ tự động 24/7
*Chương trình đào tạo Thạc sĩ Điều hành cao cấp Chính sách công thuộc nội dung phối hợp công tác giai đoạn 2022 – 2023 giữa Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh với UEH nhằm phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong khu vực công, góp phần xây dựng kinh tế – xã hội của Thành phố ngày càng vững mạnh. Đây là chương trình đào tạo tiên tiến và phù hợp với chuẩn mực quốc tế, được xây dựng dựa trên việc tham khảo các chương trình chính sách công từ các trường đại học lớn trên thế giới và được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn chính sách ở Việt Nam. Chương trình chú trọng trang bị cho học viên khả năng nhận dạng những thách thức chính sách chủ yếu ở Việt Nam, toàn cầu nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Đồng thời, chương trình cũng tăng cường năng lực phân tích và đánh giá các vấn đề chính sách, hoạch định và quản lý thực thi chính sách công. Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và biến đổi nhanh về môi trường kinh tế – xã hội, chương trình sẽ có những nội dung thảo luận về vai trò và chiến lược ứng dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế, vấn đề đô thị hóa và những chính sách an sinh xã hội, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu,… nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.
Để tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ công chức viên chức làm việc trong các tổ chức công thuộc các cơ quan nhà nước, các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và các lĩnh vực công về khoa học công nghệ, quy hoạch, thiết kế đô thị, đặc biệt là quản lý đô thị thông minh, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục tuyển sinh chương trình đào tạo Thạc sĩ Điều hành Cao cấp Chính sách công (Executive Master Of Public Policy – EMPP) Khóa 2 – Khu vực Tây Nam Bộ học tại Vĩnh Long năm 2024 và Thạc sĩ Điều hành cao cấp Quản lý công – Chương trình Quản lý đô thị thông minh và sáng tạo đợt 2 năm 2024 với mục tiêu trọng tâm của chương trình là trang bị cho học viên khả năng nhận dạng các vấn đề chính sách, hiểu biết về bối cảnh chính sách, từ đó có thể hoạch định và quản lý đào tạo các nhà kinh tế, nhà quản trị và các chuyên gia đang làm hoặc sẽ làm quản lý thực thi chính sách công.
Tin, ảnh: Học viên Nguyễn Thụy Tường Linh và tập thể lớp EMPP2, Khoa Quản lý nhà nước UEH, Phòng Marketing – Truyền thông
Một số hình ảnh khác tại chuyến nghiên cứu thực tế:
Tập thể lớp EMPP2 chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo UBND Quận 6
Tập thể lớp EMPP2 và TS. Nguyễn Văn Dư – Phó Trưởng khoa Quản lý nhà nước