Từ Sinh viên UEH đến Công dân toàn cầu Từ Công dân toàn cầu UEH
đến Công dân toàn cầu vì sự phát triển bền vững

[PODCAST] TUYỂN SINH ĐẠI HỌC 2024: Thế hệ Gen Z đã sẵn sàng nhập cuộc trở thành nhân lực thời kỳ 5.0?

Kỷ nguyên 5.0 là điều sẽ diễn ra và mốc thời gian được xác định rất gần: 2035 hoặc có thể sớm hơn. Đây là thời kỳ được kỳ vọng sẽ tạo ra một xã hội siêu thông minh, giảm bớt chú trọng vào công nghệ, máy móc và tập trung phát triển nâng cao tương tác giữa người và máy. Ý nghĩa cuối cùng của kỷ nguyên này là “đặt con người làm trung tâm”, mọi phát kiến công nghệ sẽ tồn tại bền vững nếu phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Trước xu hướng thời đại tất yếu này, thế hệ Gen Z liệu đã thấu hiểu và sẵn sàng nhập cuộc để trở thành nhân lực chủ chốt của thời kỳ 5.0?

Thời kỳ 5.0 đã, đang và sẽ thực sự bắt đầu trong thời gian rất gần

Con người đã mất hàng thế kỷ để khởi đầu với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ nhất, lần thứ 2 và thứ 3 xảy ra sau mỗi gần 100 năm nhưng chỉ mất khoảng 40 năm để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 5 sẽ xảy ra trong tương lai gần hơn nữa khi sự ra đời của Chat GPT khuấy đảo thế giới thời gian qua như một báo hiệu của sự bắt đầu. 

Kể từ cuộc CMCN đầu tiên, con người đã hiểu được tiềm năng của việc áp dụng công nghệ như một phương tiện tiến bộ. Máy móc hơi nước, dây chuyền lắp ráp tự động và máy tính là một số tiến bộ đã diễn ra trong vài thế kỷ qua, tất cả đều hướng đến thúc đẩy năng suất và hiệu quả công việc. Trong giai đoạn cuộc CMCN 3.0 và 4.0, ngành công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, big data, điện toán đám mây) đã nổi lên để dẫn dắt sự phát triển thay vì những ngành công nghiệp truyền thống trước đây. Mục tiêu phát triển của tiến trình này là giảm thiểu sự tham gia của con người và ưu tiên quá trình tự động hóa. Ở một mức độ nhất định, con người đang phải cạnh tranh với máy móc trong một số công việc.

Tuy nhiên, viễn cảnh về cách mạng công nghiệp 5.0 lại là một xu hướng khác. Xã hội 5.0 lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội thông qua hệ thống tích hợp cao giữa không gian mạng và không gian vật lý. Mục tiêu của cuộc cách mạng này là giảm bớt chú trọng vào công nghệ, máy móc và tập trung phát triển nâng cao tương tác giữa người và máy. Đây là sự kết hợp tuyệt vời giữa tính sáng tạo không có giới hạn của con người với mức độ chính xác tuyệt đối của máy móc để tạo một xã hội siêu thông minh. 

CMCN 5.0 được dự đoán sẽ mang đến những lợi ích cho thế giới như: 

Tối ưu hóa chi phí: Các hoạt động sản xuất – kinh doanh sẽ diễn ra một cách hiệu quả và linh hoạt hơn, giảm thiểu những sai sót và hạn chế về mặt địa lý, tối ưu chi phí vận hành và nguyên vật liệu, giúp cải thiện hoạt động hiệu suất của máy móc thiết bị và nguồn lực lao động.

Cá nhân hóa sáng tạo: Tận dụng tiềm năng của công nghệ để phát triển với mục đích cá nhân hóa, người lao động có thể giải phóng bản thân khỏi một số công việc lặp đi lặp lại, từ đó tập trung vào các chiến lược khác, áp dụng khả năng sáng tạo của mình.

Thân thiện với môi trường: Theo Ủy ban Châu Âu, mục tiêu chính của CMCN 5.0 là tính bền vững, lấy con người làm trung tâm và gia tăng khả năng chống chịu, đảm bảo việc phát triển kinh tế song hành với sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Từ đó dẫn tới sự ra đời của các chính sách bền vững, như việc giảm thiểu chất thải hay việc quản lý mức độ phát thải ròng trở thành những quy trình thiết yếu của mọi tổ chức, thúc đẩy tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.

Biến động thị trường lao động thời kỳ 5.0

Nếu như thời đại 4.0, dữ liệu được thu thập sẽ do con người phân tích. Còn đối với công nghệ 5.0 sắp tới đây, con người, vạn vật, các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh nhờ vào các yếu tố kỹ thuật số như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa (Robot), IoT (Internet vạn vật), phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Chính vì vậy, CMCN 5.0 không chỉ chứng kiến sự lên ngôi của những công nghệ đỉnh cao mà còn đặt tầm quan trọng của trí thông minh con người, hiểu và biết ứng dụng các công nghệ hơn bao giờ hết. 

Theo một báo cáo gần đây của Harvard Business Review, khoảng từ 20% đến 80% khối lượng công việc nhất định có thể được thay thế bằng máy móc, nhưng không có công việc nào có thể tự động hóa 100%. Điều này có nghĩa là ngay cả với viễn cảnh phát triển trong tương lai, robot sẽ không thay thế con người hoàn toàn. Ở thời kỳ 5.0, các nhà máy sản xuất sẽ dần dịch chuyển sang mô hình sản xuất có thể cung cấp lượng hàng hóa nhiều hơn, nhanh hơn với chi phí rất thấp và cần ít nhất can thiệp của con người. Khi đó, con người sẽ chỉ còn đảm nhiệm các vị trí lao động mang lại giá trị gia tăng cao dựa trên sáng tạo và trong công việc quản lý các hệ thống robot trong dây chuyền sản xuất với sự hỗ trợ của các Robot.

Một bài báo trên Forbes cũng từng công bố dựa theo nghiên cứu của Mercer (2020): “34% các nhà lãnh đạo nhân sự đang đầu tư vào việc học hỏi và đào tạo lại lực lượng lao động như một phần trong chiến lược của họ để chuẩn bị cho tương lai công việc”. Như vậy, thời kỳ 5.0 sẽ tách các nhóm nhân sự ra khỏi phần chính của công việc quản trị hàng ngày. Điều này sẽ giúp họ có thời gian để điều chỉnh và đáp ứng các yêu cầu về nhân tài, cho phép họ tập trung vào sự phát triển và năng suất của tổ chức. 

Có thể thấy, yêu cầu nhân lực trong tương lai sẽ được nâng lên một tầm cao mới, đó là những nhân sự phải thực sự hiểu nghiệp vụ và hiểu công nghệ có khả năng hỗ trợ nghiệp vụ của họ như thế nào. Nếu không chấp nhận sự thật này, chắc chắn nhân sự sẽ có nguy cơ bị tụt hậu hoặc thậm chí bị đào thải. Và chắc chắn rằng, Gen Z (Generation Z, hay còn gọi là Thế hệ Z, chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012) sẽ chính là thế hệ nhân lực của kỷ nguyên 5.0 sắp tới. Được mệnh danh là “thế hệ kết nối”, Gen Z sinh ra và lớn lên trong môi trường công nghệ với khả năng kết nối thường xuyên (qua sử dụng Internet, công cụ giao tiếp qua mạng), công nghệ trở thành “vật bất ly thân” và niềm yêu thích không thể thiếu. Thay vì phụ thuộc công nghệ, năng lực làm chủ công nghệ sẽ chính là năng lực cần thiết cho thế hệ này khi gia nhập vào thời kỳ lao động 5.0 sắp tới. 

Trang bị kiến thức Đa ngành, Liên ngành, Xuyên ngành ngay từ hôm nay

Thực tiễn công việc mới yêu cầu người lao động tương lai cần hiểu sâu những kiến thức nghiệp vụ và biết rộng những kiến thức liên đới, được biết đến với thuật ngữ đa ngành, liên ngành và xuyên ngành trong thời gian gần đây. 

Tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong quá trình học tập, nghiên cứu trang bị kiến thức có thể hiểu theo 2 góc độ: (1) Lĩnh vực chuyên môn trong mối quan hệ, tương tác với các lĩnh vực khác; (2) Tiếp cận đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong nội tại lĩnh vực đó. Hay nói cách khác liên/xuyên ngành là những ngành nghề sẽ tích hợp kiến thức kỹ năng từ những ngành nghề khác nhau. Đào tạo chuyên ngành có những lợi thế nhất định, nhưng trong kỷ nguyên nhân lực số với trí tuệ nhân tạo và vạn vật kết nối tự động, liên/xuyên ngành có những ưu thế nổi bật hơn. Trong thời kỳ 5.0, tiếp cận và xây dựng kiến thức chuyên môn theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, đặc biệt là mối tương quan của một lĩnh vực với công nghệ chính là nền tảng cho “năng lực làm chủ công nghệ”. 

Hiểu xu thế thời đại, chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức và kỹ năng, liên tục đón nhận và học tập kiến thức mới về công nghệ sẽ chính là tố chất quan trọng của thế hệ nhân lực dẫn đầu kỉ nguyên 5.0 – kỷ nguyên siêu thông minh.  

Đây là bài viết nằm trong Series “Máy tính và Công nghệ: Không đi một mình”, cùng chờ đón bài viết chính tiếp theo với chủ đề “Máy tính và Công nghệ không đi một mình: Cách tiếp cận đa lĩnh vực”. Vẫn còn điều bất ngờ dành cho 2k6 tại UEH trong mùa tuyển sinh Đại học chính quy 2024. Hãy cùng UEH khám phá nhé! 

________________

THÔNG TIN VÀ BỘ CÔNG CỤ HỖ TRỢ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP UEH:

Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông UEH, Trường Công nghệ và Thiết kế UEH.

Nguồn tham khảo:

TIN TUYỂN SINH LIÊN QUAN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin tức mới nhất