Quản trị là một trong những ngành học thuộc khối ngành kinh tế được nhiều thí sinh lựa chọn nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm. Là ngành đào tạo các nhà quản trị cho tương lai, do đó sinh viên sẽ được lĩnh hội nguồn kiến thức rất rộng từ ngành học. Và cũng do kiến thức rất rộng nên nhiều người đã nhận định rằng “Học Quản trị là có thể làm mọi thứ”. Bên cạnh đó, trong thời đại 4.0, sự phát triển liên tục đòi hỏi những nhà quản trị phải có năng lực tối ưu công nghệ để dẫn dắt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kiến tạo năng lực cạnh tranh kinh doanh trong kỷ nguyên số.
Chương trình Utalk tư vấn tuyển sinh trực tuyến Đại học chính quy năm 2021 mang chủ đề “Nhóm ngành quản trị: Một ngành học – Đa nghề nghiệp” với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, các thầy cô và sinh viên đến từ khoa Quản trị Kinh doanh, đại học Kinh tế Tp.HCM sẽ giúp các bạn yêu thích lĩnh vực quản trị hiểu sâu hơn về những chuyên ngành thuộc nhóm ngành Quản trị kinh doanh đồng thời có thể xác định hướng đi phù hợp và đúng đắn cho bản thân.
Câu 1: Chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ của quý thầy cô, anh chị với Trường Đại học Kinh tế TP.HCM?
Ông Nguyễn Tấn Huy:
Cho phép tôi với vai trò là Tổng Thư ký Hội đồng liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam, đại diện cộng đồng các doanh nghiệp gửi lời cảm ơn Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã cung cấp cho chúng tôi nguồn nhân lực thuộc khối ngành Quản trị, giúp cộng đồng doanh nghiệp có thêm cơ sở, học liệu, nguồn lực để phát triển hơn doanh nghiệp của mình.
Riêng bản thân tôi, tuy không xuất thân từ Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhưng thời gian qua, tôi đã được đồng hành rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp ở trường cũng như tham gia nhiều hoạt động với các bạn sinh viên trường. Ở góc độ nào đó, tôi cảm thấy rất vui khi được chia sẻ những trải nghiệm, kiến thức, được học hỏi những điều hay, điều mới từ chính các bạn sinh viên năng động, tư duy tốt của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
Cô Thục Hân – Khoa Quản trị
Tôi rất vinh dự khi đã được học tại UEH (viết tắt của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) và được quay trở về truyền tải kiến thức cho các thế hệ tiếp theo của UEH để góp phần xây dựng nên một cộng đồng UEH – ER giỏi giang, nhiệt huyết và đóng góp rất nhiều cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài hiện nay. Như anh Huy đã nói, được làm việc, được sống, được trở thành một phần thanh xuân của các bạn là một điều vô cùng hạnh phúc.
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Trong ý niệm của mọi người, học lãnh đạo hay học quản trị thì về Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Tôi vào trường năm 1996, nghĩa là ý thức hệ của chúng tôi đã như thế rồi. Ngày xưa, cứ ôn bộ đề vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM là để học quản lý và làm lãnh đạo. Khi đã bước vào trường, mình vừa tràn đầy hứng khởi khi thi đậu, vừa xem đây là một thử thách thú vị. Với tôi, những năm tháng ở trường rất đáng nhớ và đó chính là động lực, là hành trang quý báu để chúng ta có những hành trình dài hơn trong cuộc đời mình.
Ông Nguyễn Tuấn Minh
Tuy không xuất thân từ Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhưng tôi vốn có tình cảm khá sâu đậm với trường. Trước đây, tôi và nhiều bạn cũng trang lứa đã từng suy nghĩ rất nhiều trong việc chọn trường, chọn ngành bởi Kinh Tế là một trong những trường mình phải cân đo đong đếm rất nhiều khi lựa chọn vì trường đào tạo cho người học khả năng lãnh đạo và nhiều kỹ năng cần thiết trong tương lai. Hiện nay, tôi rất vui khi trường Kinh Tế đang mở ra các chương trình đổi mới sáng tạo, kết hợp kỹ năng, thế mạnh của trường Kinh Tế với công nghệ để giúp người học về lâu dài có thể đạt được sự tiến bộ về mặt lãnh đạo ở các doanh nghiệp lớn trong các tập đoàn công nghiệp cũng như trong chính phủ.
Cô Thanh Phương – Khoa Quản trị
Quản trị Kinh doanh của trường vốn là một ngành có thâm niên về đào tạo và giảng dạy các nhà quản lý. Đặc biệt đối với ngành Quản trị Kinh doanh, hiện đang mở một ngành mới là ngành Quản trị bệnh viện và đã đào tạo được bốn khóa. Bản thân tôi là giảng viên của trường được 10 năm rồi, tôi có thể đánh giá là trường đã – đang và luôn nỗ lực, cải tiến chương trình giảng dạy để khoa Quản trị kinh doanh, đặc biệt là chuyên ngành Quản trị bệnh viện ngày càng tốt hơn, phục vụ nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức, trong đó có nhiều tổ chức về Y tế và sức khỏe.
BS. CKII. Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Tốt nghiệp Đại học hơn 10 năm, tôi cũng là một trong những người đầu tiên học thạc sỹ Quản trị bệnh viện của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và hiện tại là một trong những giảng viên của bộ môn Quản trị Bệnh viện. Bộ môn này ra đời góp phần rất lớn giúp cho môi trường y tế đặc biệt là môi trường y tế của bệnh viện giải quyết các vấn đề mà bệnh viện đang gặp khó khăn.
Chúng tôi vốn là những người làm về chuyên môn khám chữa bệnh còn những vấn đề ngoài chuyên môn, chúng tôi rất cần những nhà quản trị năng động, sáng tạo, sẵn sàng đổi mới. Chúng tôi cũng rất cần những trường như Đại học Kinh tế Tp.HCM – là một trong những trường mở đầu cho phong trào lấy sinh viên Kinh Tế giúp cho ngành Y, giúp cho công tác y tế được triển khai tốt nhất, phục vụ, khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân một cách tốt nhất.
Câu 2: Có thể nói, những nhà quản trị, những chủ nhân của các doanh nghiệp không bao giờ cảm thấy đủ sức để đảm nhận các vai trò – trách nhiệm của mình, đôi khi các anh chị sẽ cảm thấy khá áp lực, mệt mỏi. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình, bác sỹ Tô Phước Hải có lời khuyên nào dành cho các anh chị?
BS. CKII. Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Việc học và làm về y tế vốn căng thẳng, áp lực, tuy nhiên khi chúng tôi đứng lớp giảng dạy các bạn sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thì chính sự năng động, nhiệt huyết, trẻ trung của các bạn đã giúp chúng tôi lấy lại tinh thần và đó chính là những liều thuốc rất bổ ích.
Thông qua chương trình, tôi có lời nhắn gửi ngắn gọn đến các anh chị đang làm chủ doanh nghiệp ở đây rằng bất kể làm gì, chúng ta cũng nên quan tâm đến vấn đề sức khỏe bản thân. Bởi có sức khỏe tốt, chúng ta mới thực hiện được những ước mơ, hoài bão của mình.
Tôi cũng muốn nhắn gửi đến quý phụ huynh, các em sinh viên dự định trở thành sinh viên của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM rằng thông qua đại dịch Covid, ngành Y là một trong những điểm sáng của Việt Nam, cũng là điểm sáng để thu hút nguồn nhân lực, chất lượng từ các quốc gia. Sẽ có rất nhiều tổ chức nước ngoài, đặc biệt là tổ chức y tế, các bệnh viện tư nhân, phòng khám mở ra tại Việt Nam và như vậy, nhu cầu về ngành Quản trị bệnh viện sẽ ngày càng phát triển. Mong rằng quý phụ huynh có con cái đã và đang dự định theo học ngành Quản trị bệnh viện có thể yên tâm, tin tưởng vì đây sẽ là một trong những lựa chọn rất hay bởi sự kết hợp tuyệt vời giữa Y tế và Kinh tế.
Câu 3: Là một sinh viên đang học ngành Quản trị chất lượng của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Ngọc Quỳnh có thể chia sẻ những ước mơ, mong muốn của mình về các kiến thức và kỹ năng sẽ được học, được trau dồi trong bốn năm đại học?
Bạn Ngọc Quỳnh – Sinh viên khoa Quản trị
Em vốn là một con người rất thích kinh doanh, thích giao tiếp với mọi người. Qua tìm hiểu, em cảm thấy Quản trị là một ngành vừa thú vị, thực tế, lại vừa có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Em đã lựa chọn theo đuổi ngành Quản trị tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM vì đây là một môi trường đại học danh tiếng, có lịch sử đào tạo sinh viên ngành Quản trị rất tốt. Em vào học tại trường với mong muốn được các thầy cô chỉ dẫn, cung cấp kiến thức cũng như các kỹ năng cần thiết về quản trị, quản lý, điều hành công việc kinh doanh. Còn một điều em rất tâm đắc khi bước vào Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, bởi đây là một môi trường đào tạo năng động, sáng tạo, hoàn toàn phù hợp với các giá trị bản thân mà em mong muốn hướng đến.
Câu 4: Có một nhận định cho rằng muốn học quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo thì phải biết đến những kỹ thuật công nghệ rất cao như AI, VR, AR. Thầy Huỳnh Phước Nghĩa suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Thứ nhất, chúng ta phải khẳng định là học Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo là học quản trị trước, nghĩa là chúng ta học để trở thành một nhà quản lý có năng lực lãnh đạo. Theo đó, các môn học cơ sở về mặt quản trị được giảng dạy một cách đầy đủ, từ con người, quản trị marketing, quản trị nhân sự, tài chính, kế toán, v.v.
Thứ hai, đối với một nhà quản trị công nghệ có nghĩa là anh phải biết áp dụng công nghệ trong giải quyết vấn đề của kinh doanh. Đây chính là điểm rất độc đáo của ngành này. Áp dụng công nghệ ở đây, anh không phải là một kỹ sư nhưng anh là một nhà quản trị, biết sử dụng, biết biến nó thành giá trị kinh tế. Về câu chuyện nhà lãnh đạo trong thế kỷ 21, người ta đặt câu hỏi là một nhà quản trị nếu không được cập nhật, không hiểu biết và vận dụng giá trị kinh tế của công nghệ đang thay đổi nhanh chóng thì làm sao anh đưa công ty đi xa được. Thì đó là điểm mấu chốt của khái niệm Quản trị công nghệ trong ngành học này.
Thứ ba là năng lực đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo của thế kỷ 21 là năng lực đổi mới sáng tạo và đổi mới liên tục của doanh nghiệp. Như vậy, anh là một nhà lãnh đạo, một nhà quản lý, anh phải có kỹ năng lãnh đạo và dẫn dắt doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì thế, việc học kỹ năng đổi mới sáng tạo trong các môn học đó vừa giúp chúng ta thay đổi cả về mô hình kinh doanh cho đến kỹ năng dẫn dắt sáng tạo trong những dự án đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ và thậm chí là sáng tạo sản phẩm dịch vụ mới nữa.
Nói một cách nôm na, học Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo có nghĩa là học để làm một nhà quản trị trong bối cảnh áp dụng xuất sắc sự thay đổi của công nghệ và có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp mình liên tục đổi mới, sáng tạo để cạnh tranh.
Câu 5: Cô Thục Hân và các thầy cô có thể chia sẻ thêm về sự thay đổi cũng như cập nhật thêm các chuyên ngành đào tạo của khoa Quản trị?
Cô Thục Hân – Khoa Quản trị
Nếu những năm về trước, khoa Quản trị có ba chuyên ngành nhỏ là chuyên ngành Quản trị, chuyên ngành Quản trị chất lượng và chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp thì năm nay chúng tôi có thêm một chuyên ngành nữa đến từ Viện đổi mới sáng tạo là chuyên ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xin được nói sơ qua về sự khác biệt giữa các chuyên ngành này. Khi đã đăng ký vào ngành Quản trị thì hiển nhiên các bạn học ngành Quản trị vốn rất năng động, tư duy quản lý rất tốt, các bạn có khát khao không chỉ là nhân viên thông thường mà còn muốn nỗ lực vươn lên vị trí quản lý cấp cao hơn trong tương lai. Trong các chuyên ngành của Quản trị kinh doanh nếu theo học Quản trị kinh doanh nói chung, bạn sẽ được đào tạo tất cả kiến thức liên quan đến quản lý doanh nghiệp. Bởi vì để doanh nghiệp vận hành được hiệu quả thì ta phải kiểm soát tốt các quy trình, nguồn đầu vào, hiệu suất đầu ra, tiết kiệm chi phí và ngành Quản trị ra đời để giải quyết bài toán đó một cách tổng quát trong doanh nghiệp. Khi bạn muốn thăng tiến lên những vị trí cấp cao thì bạn phải biết những nhân viên cấp dưới của mình làm những gì. Học quản trị, bạn sẽ được đào tạo tư duy để quản lý tất cả những khía cạnh trong doanh nghiệp. Và mỗi thứ bạn đều sẽ biết một chút, để sau này bạn có thể hiểu nhân viên của mình làm những gì và có thể quản lý tốt doanh nghiệp ở những khía cạnh rộng lớn chứ không chỉ là một chuyên ngành hẹp.
Bên cạnh đó, nếu muốn đi theo hướng kiểm soát chất lượng doanh nghiệp thì bạn có thể theo học ngành Quản trị chất lượng. Đây vốn là một khâu mà hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chú trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hội nhập quốc tế và hướng đến những tiêu chuẩn chung.
Còn nếu bạn có những dự định, ước mơ lớn hơn như muốn tự khởi nghiệp doanh nghiệp của riêng mình hay kế thừa từ gia đình thì bạn có thể theo học chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp. (Về chuyên ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo thì thầy Nghĩa đã chia sẻ ở phần trước). Riêng đối với chuyên ngành quản lý bệnh viện thì cô Thanh Phương và thầy Phước Hải sẽ chia sẽ rõ hơn về nội dung chương trình học cũng như định hướng nghề nghiệp cho các bạn sau này.
Cô Thanh Phương – Khoa Quản trị
Chuyên ngành Quản trị bệnh viện của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM ra đời vào năm 2016, tính đến thời điểm hiện nay đã qua được bốn khóa đào tạo. Mục tiêu của chương trình là đào tạo cho người học những kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về quản lý và điều hành một cơ sở chăm sóc sức khỏe và chương trình tập trung vào đào tạo quản lý điều hành bệnh viện.
Dựa trên những nhu cầu từ phía các nhà tuyển dụng thì trường cũng như khoa Quản trị quyết định thành lập ngành Quản trị bệnh viện. Nội dung ngành Quản trị bệnh viện là đào tạo các kỹ năng như quản lý tài chính bệnh viện, quản lý hậu cần, quản lý marketing bệnh viện, quản lý chuỗi cung ứng dược, quản lý các nghiệp vụ về truyền thông. Ngoài ra chúng tôi cũng đào tạo các kiến thức về Y tế, ví dụ như là về dịch tễ, y tế công cộng, quản lý bệnh án điện tử, công nghệ, hệ thống thông tin tại bệnh viện. Có rất nhiều dịch vụ mà chuyên ngành này cung cấp nhằm mang đến cho người học sự tự tin khi ra làm việc tại các phòng ban, các bệnh viện công hoặc tư cũng như các tổ chức chăm sóc sức khỏe hay các công ty có những dự án liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe.
BS. CKII. Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Để tiếp lời cô Phương, tôi xin nói rõ về ngành Quản trị bệnh viện hay còn gọi là Quản lý bệnh viện. Ngành Quản trị bệnh viện tách làm hai vế, vế thứ nhất – học về “Quản trị” là học để trở thành nhà quản trị trong tương lai với những kiến thức nền về quản trị. Còn vế thứ hai là “Bệnh viện” tức là một công ty hay một doanh nghiệp đặc thù. Khi bạn trở thành sinh viên của ngành Quản trị bệnh viện thì bên cạnh việc được đào tạo về kỹ năng quản trị, còn có một điểm rất mới là các bạn sẽ được thực hành ở các lĩnh vực sức khỏe và đặc biệt là các bệnh viện.
Như các bạn cũng thấy, khi khám chữa bệnh, đầu tiên các bạn phải vào bốc số, chúng ta sẽ qua rất nhiều khâu cho đến khi gặp bác sỹ (là khâu chuyên môn) thì đó mới là một phần rất nhỏ trong quá trình khám chữa bệnh. Như vậy ngành Quản trị bệnh viện sẽ giúp các bạn tiếp cận từ đầu cho đến khi bệnh nhân quay trở lại tái khám. Tức là về chuyên môn y tế thì bên đại học Y Dược sẽ đào tạo. Còn những vấn đề khác, kỹ năng khác thì bên ngành Quản trị bệnh viện sẽ đào tạo. Ví dụ như các bạn sẽ được đào tạo kỹ năng về quản lý chất lượng trong cơ sở khám chữa bệnh, quản trị rủi ro trong bệnh viện hay công tác xã hội, về quản trị nhân sự trong bệnh viện, về marketing và truyền thông, v.v. Và còn rất là nhiều điểm thú vị mà chỉ có giao thoa giữa y tế và kinh tế mới nhận ra được. Vì thế, chúng ta có thể khẳng định – Quản trị bệnh viện là một trong những ngành đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Câu 6: Một số bạn sinh viên đang chia sẻ cảm nhận “khá áp lực khi học Quản trị bệnh viện”, bởi các bạn cho rằng học ngành này vừa phải có kiến thức về Quản trị lại vừa có kiến thức về Y tế nữa. Anh Huy có thể tiếp lửa cho các bạn?
Ông Nguyễn Tấn Huy
Ở vai trò một mentor dẫn dắt các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ đang là bác sĩ của trường Đại học Y Dược TP.HCM (hiện cũng là những người khởi nghiệp), tôi nhận ra rằng: Đối với một người làm chuyên môn, nếu chúng ta chỉ giỏi về mặt chuyên môn mà không được cập nhật về kiến thức quản trị thì chúng ta sẽ rất lúng túng, khó khăn khi điều hành công tác, đặc biệt là cho một doanh nghiệp hay cho một bệnh viện, phòng mạch nhỏ… Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về quản trị là điều cực kỳ quan trọng.
Tôi rất ủng hộ Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã mở ra và đào tạo chuyên ngành Quản trị bệnh viện. Vì ở góc độ thực tế, những người thầy thuốc giỏi chuyên môn, nếu phải chuyển qua làm công tác quản lý, sẽ khá là uổng phí. Bởi khi làm quản lý, họ sẽ không có thời gian làm chuyên môn.
Đó là một câu chuyện và cũng là cơ hội cho những nhà quản trị, để họ làm công tác quản lý và hỗ trợ tốt hơn cho người làm chuyên môn, tạo cơ hội để người làm công tác chuyên môn giúp ích nhiều hơn cho cộng đồng xã hội. Tôi có một lời khuyên cho các bạn trẻ ngày nay là nếu thật sự yêu thích lĩnh vực y tế và muốn làm quản lý thì các bạn nên học ngành Quản trị bệnh viện.
Câu 7: Xin anh Tuấn Minh chia sẻ về cơ hội việc làm của các bạn sinh viên Quản trị Kinh doanh?
Ông Nguyễn Tuấn Minh
Theo suy nghĩ của tôi thì các bạn sinh viên học ngành Quản trị sẽ có lợi thế rất lớn trong thị trường việc làm. Thứ nhất là các bạn có nền tảng quản trị để làm lãnh đạo trong tương lai; Thứ hai là các bạn được tiếp xúc công nghệ từ rất sớm. Trong doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ thì một trong những điểm khó khăn là mình phải vừa phải biết về chuyên môn vừa phải biết về quản lý. Nếu một bạn kỹ sư mới ra trường, để trang bị thêm về các kiến thức đó, phải mất khoảng hai đến ba năm thì một bạn sinh viên học Quản trị – ngay từ đầu đã được tiếp xúc các kiến thức về công nghệ sẽ thích nghi công nghệ mới một cách nhanh chóng. Như thế, khi mới làm việc tại doanh nghiệp, bạn có thể bắt đầu ngay từ các vị trí như chuyên gia tư vấn quản lý dự án (nghĩa là các bạn đã tiết kiệm khoảng hai đến ba năm so với các kỹ sư bình thường).
Khi bắt đầu cứng hơn về mặt năng lực trong quản trị thì các bạn có thể trở thành người lãnh đạo trong các dự án, các chương trình lớn hơn. Trong quá trình làm về công nghệ, bạn sẽ có cơ hội học hỏi cũng như thể hiện kỹ năng mềm, thể hiện sự sáng tạo của mình khi được làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới tại các tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra còn một cơ hội ý nghĩa đối với các sinh viên học ngành này, đó là mình biết nắm bắt công nghệ và chuyển hóa công nghệ thành giá trị kinh doanh. Khi các bạn đã được đào tạo bài bản, hiểu được cách vận hành mọi thứ thì các bạn hoàn toàn có thể trở thành những nhà lãnh đạo hoặc những nhà khởi nghiệp. Đó sẽ là nền tảng rất tốt cho kinh tế Việt Nam.
Câu 8: Chuyên ngành Quản trị Chất lượng đào tạo khác với chuyên ngành Quản trị như thế nào?
Cô Thục Hân – Khoa Quản trị
Đối với chuyên ngành Quản trị chúng ta sẽ học những kiến thức về quản lý ở nhiều khía cạnh: từ quản trị điều hành, quản trị nhân sự, tài chính, dự án, quản trị marketing, quản trị rủi ro, quản trị chiến lược, v.v. Đó là những góc nhìn quan trọng của nhà quản trị. Còn đối với chuyên ngành quản trị chất lượng thì nó là một nhánh sâu hơn của quản trị, dành cho các bạn có niềm yêu thích về công tác quản trị chất lượng của doanh nghiệp.
Về chương trình đào tạo, các môn ngành, kiến thức ngành hoàn toàn giống nhau. Còn khi vào sâu chuyên ngành, các bạn sẽ được học các môn ngành chung, sau đó sẽ chia theo từng chuyên ngành nhỏ. Ngọc Quỳnh sẽ chia sẻ thêm các môn chuyên ngành về Quản trị chất lượng mà mình đã theo học…
Bạn Ngọc Quỳnh – Sinh viên khoa Quản trị
Em đang theo học ngành Quản trị chất lượng thuộc chuyên ngành chung là Quản trị kinh doanh. Trong hai năm đầu, em cũng học các môn rất là chung như Quản trị nguồn nhân lực, Quản trị marketing, sau đó vào chuyên ngành em được học các môn rất cụ thể, rõ ràng, đúng với chuyên ngành của mình như Hệ thống quản trị chất lượng, Quản trị chất lượng dịch vụ, Six Sigma, Hệ thống quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, v.v. Đó là các môn học cụ thể, có kiến thức sát thực tế.
Ông Nguyễn Tấn Huy
Tôi muốn chia sẻ góc độ thực tế để cho phụ huynh và các em học sinh dễ nhìn nhận hơn. Ở khía cạnh doanh nghiệp, khi học về Quản trị chất lượng thì thường là tại các công ty sản xuất sẽ liên quan tới tính hệ thống, các quy trình tại nhà máy sản xuất như thế nào, các công ty có ISO 2000, ISO 2001, v.v. và để tạo ra những vấn đề đó thì rất cần các bạn trẻ học về ngành Quản trị chất lượng. Khi các bạn về doanh nghiệp sẽ xây dựng hệ thống như vậy, giúp doanh nghiệp hình thành nên những vấn đề về tiêu chuẩn, quy trình sao cho phù hợp với những tiêu chuẩn đặc thù.
Còn học Quản trị mà chúng ta thường thấy thì có Quản trị chiến lược, Quản trị marketing, Quản trị kinh doanh, v.v. Khi đó, các bạn sẽ về làm việc tại phòng Kinh doanh, phòng Marketing, Nhân sự – hành chính hoặc các bạn có thể theo một số ngành mà nhiều bạn rất thích là ngành Chăm sóc khách hàng. Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ học kinh tế đang làm ở phòng Chăm sóc khách hàng vì chăm sóc khách hàng đang được “mix” rất gần với Marketing và giảm đi tần suất của phòng bán hàng. Thời đại công nghệ ngày nay rất cần marketing và chăm sóc khách hàng. Vì thế các bạn học Quản trị rất dễ có cơ hội việc làm ở chính các môi trường như vậy.
Câu 9: Khi học Quản trị, có phải bản thân chúng ta sẽ “tâm lý hơn” để chăm sóc các khách hàng?
Ông Nguyễn Tấn Huy
Ở một góc độ nào đó thì câu chuyện này liên quan nhiều về mặt kĩ năng vì học kinh tế thì chúng ta đang học nhiều về mặt học thuật, thực thi các nghiệp vụ chuyên môn. Tuy nhiên, để thành công trên đường đời thì ngoài kiến thức học thuật, chúng ta cần có kỹ năng. Đặc biệt là đối với các bạn học kinh tế, để trở thành những nhà lãnh đạo, những nhà quản lý trong tương lai thì Tâm lý là một bộ môn phụ mà các bạn nên trau dồi.
Câu 10: Xin thầy Nghĩa có thể chia sẻ về việc đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực quản trị công nghệ?
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Có thể khẳng định rằng đối với ngành Quản trị của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM năm nay là rất mới. Và bạn học, bạn chọn là một lựa chọn rất thức thời, ít nhất là ở góc độ ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, chúng ta sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ. 100.000 doanh nghiệp này sẽ cần một đội ngũ nguồn nhân lực về quản lý, quản trị nhưng lại có năng lực về công nghệ, áp dụng công nghệ và hiểu biết về công nghệ. Vì vậy, đây là một cơ hội lớn tại thị trường lao động Việt Nam.
Thứ ba, có thể thấy rằng đối với việc học quản trị ngày nay thì bên cạnh việc có nền tảng liên quan đến nhà quản lý, nhà lãnh đạo thì tính hợp thời của nó chính là sự thay đổi của công nghệ trong kinh doanh và một nhà quản trị nên có được sự hợp thời đó.
Thứ tư, đó là câu chuyện về phát triển kinh tế. Kinh tế Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước đã lệ thuộc vào các ngành công nghiệp truyền thống hoặc những ngành mang lại lợi ích kinh tế nhưng ngày nay cũng thay đổi rất mạnh về công nghệ, ví dụ như nông nghiệp hay những ngành dịch vụ cũng phải thay đổi về công nghệ. Như vậy, khi học Quản trị hay Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, bạn có thể rất đa năng trong các cơ hội việc làm cho cả ngành công nghiệp truyền thống lẫn những ngành công nghiệp mới (hi – technology), công nghiệp nghiệp dựa trên chuyển đổi số.
Thứ năm, tôi cho rằng đây là một thời điểm rất phù hợp cho các bạn nhìn về 30 năm tiếp theo. Người ta dự báo rằng ở vai trò của nhà quản trị trong tương lai, lấy nền tảng công nghệ làm trụ cột trong sự thay đổi. Chính mùa tư vấn năm nay, chúng ta mới có câu chuyện này và đây là một sự sáng tạo từ đại học Kinh Tế Tp. Hồ Chí Minh trong việc mang đến cho các em những lựa chọn mới mẻ. Thêm vào đó, ngay cả khi các em học bất cứ ngành nào của Quản trị, các em hoàn toàn có thể học tiếp văn bằng hai của Đổi mới sáng tạo và quản trị công nghệ. Như vậy, đó chính là một điểm thú vị trong câu chuyện tuyển sinh năm nay.
Câu 11: Anh chị và quý thầy cô có thể chia sẻ thêm về cơ hội nghệ nghiệp khi học ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như các ngành của khoa Quản trị?
Ông Nguyễn Tuấn Minh
Xin chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp về cơ hội của các bạn sinh viên sau khi học ngành Quản trị, Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cá nhân tôi nhận định rằng sẽ có rất nhiều cơ hội vì các bạn có nền tảng về quản trị, kĩ năng quản trị đã được đào tạo rất bài bản ở trường đại học Kinh Tế. Thứ hai là sự tiếp cận về công nghệ mà ở đây là những công nghệ mới, hi- technology như AI, VR mà các bạn đã được tìm hiểu ngay tại trường học. Điều này giúp cho các bạn có khả năng thích nghi với công nghệ và học hỏi công nghệ rất nhanh chóng. Theo đó, ngay khi ra trường, sẽ có rất nhiều vị trí cho các bạn có thể tham gia vào như các vị trí quản lý dự án, quản lý chương trình, v.v. Và từ đó, các bạn cũng sẽ có được lộ trình tiến tới các vị trí quản trị, lãnh đạo cao hơn.
Bên cạnh đó, khi đã được đào tạo bài bản về quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo, các bạn sẽ có tầm nhìn và biết chuyển hóa tầm nhìn vào giá trị kinh doanh nên cơ hội tự khởi nghiệp, tự thành lập công ty của riêng bạn trong lĩnh vực này là rất lớn.
Ông Nguyễn Tấn Huy
Trên truyền thông, chúng ta đang thấy rất nhiều về chuyển đổi số. Hiện nay hệ thống các doanh nghiệp đang chuyển đổi số rất lớn và bản thân ê-kip của chúng tôi cũng đang làm về công tác chuyển đổi số cho hệ thống các doanh nghiệp tại các tỉnh thành.
Liên quan đến vấn đề này thì khi các doanh nghiệp chuyển đổi số xong rồi, ai sẽ là người thực thi? Câu chuyện người thực thi trong hệ thống cũ rất khó bởi chuyển đổi số là một quá trình không đơn giản và hầu hết các doanh nghiệp ngày nay đang rất cần nguồn nhân lực, chính là các bạn trẻ thuộc nhà quản trị nhưng bên mảng công nghệ. Chính các bạn là người sẽ tập trung thực thi các vấn đề đó cho doanh nghiệp. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng khi ra trường, các bạn sẽ được các doanh nghiệp trải thảm đỏ mời về. Vấn đề chính là các bạn có yêu thích, đam mê, có dấn thân với nó hay là không mà thôi. Tôi nghĩ với những bạn yêu thích quản trị và muốn trở thành nhà quản lý trong tương lai thì Ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là môi trường rất lớn để phát triển sự nghiệp của các bạn sau này.
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Có thể thấy, khi bắt đầu công việc thì các bạn mới ra trường sẽ chọn công việc mà người ta đang tuyển dụng nhiều nhất mà chưa chắc hướng nghiệp của mình sẽ đi theo. Như vậy, chúng ta phải có tầm nhìn về sự khởi đầu công việc của mình ngay sau khi ra trường một cách hứng thú nhất. Khi nhìn lại, mặt bằng tuyển dụng đang chạy theo nhu cầu công việc thì đối với các ngành học mới như Quản trị bệnh viện hay Quản trị công nghệ, khi chúng ta quyết định lựa chọn là đang lựa chọn một định hướng hấp dẫn nhất và đó là điều quan trọng đầu tiên.
Điều quan trọng thứ thứ hai, có thể thấy rằng học Quản trị hay Quản trị công nghệ, Quản trị bệnh viện thì chúng ta sẽ phải thể hiện sự vận dụng của mình trong môi trường cụ thể ở góc độ và kỹ năng. Với tư duy của một người được đào tạo toàn diện, chưa chắc các bạn sẽ sử dụng hết những kiến thức được đào tạo nhưng chính với những cái toàn diện đó, bạn có thể vận dụng một cách sáng tạo nhất để thăng tiến nhanh nhất trong nghề nghiệp.
Thứ ba, hoạch định của một cử nhân quản trị là hoạch định để trở thành một nhà quản lý. Ví dụ khi làm trong một tập đoàn công nghệ lớn, đòi hỏi người lãnh đạo để triển khai tổ chức thì ngoài năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo còn là một tiến trình để người ta thể hiện sự thay đổi bản thân trong giai đoạn tiếp theo. Một người học quản trị sẽ có lợi hơn về năng lực tự học hỏi và phát triển tiếp theo chứ chúng ta sẽ không thể so sánh một góc rất là nhỏ là – khi tôi mới vào làm, tôi viết coding được ngay lập tức hay không, làm game được ngay lập tức hay không hay thiết kế một hệ thống dữ liệu mới, v.v.
Vì vậy phụ huynh sẽ thấy được rằng, khi con em chúng ta học quản trị, các bạn sẽ có được định hướng rất rõ ràng từ nhà trường cũng như thấy rất rõ bức tranh nghề nghiệp của mình trong sự phát triển bản thân là vô cùng rộng mở.
BS. CKII.Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Ngành Quản lý bệnh viện ra đời, giúp cho các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể ứng dụng thành công những kiến thức đã được học vào thực tiễn như quản trị công nghệ, quản trị chất lượng, quản trị nhân sự trong ngành y, trong lĩnh vực sức khỏe. Có thể thấy, môi trường đào tạo tại đại học Kinh tế giúp cho các bạn sinh viên năng động, sáng tạo hơn, đổi mới hơn và song song đó, khi bước vào môi trường y tế, bạn sẽ được học thêm các vấn đề mới mẻ về ý tế đặc biệt là sự tỉ mỉ, sự kỹ càng trong nghiệp vụ.
Như chúng ta đã thấy, trong đại dịch Covid-19, rõ ràng công nghệ đã và đang xâm chiếm, len lỏi trong tất cả các ngành, đặc biệt là ngành chăm sóc sức khoẻ. Khi một bạn sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị bệnh viện, thứ nhất bạn đó đã được lĩnh hội các kiến thức về sức khỏe hơn các bạn đồng trang lứa; Thứ hai đây là một môi trường rất mới – các bạn vào vị trí đó có thể thăng tiến sau này; Thứ ba chúng ta hoàn toàn có thể tư duy khởi nghiệp cho các dự án về y tế, hoặc chúng ta có thể trở thành trưởng phòng kinh doanh, trưởng phòng Marketing của bệnh viện hay của một công ty liên quan đến lĩnh vực y tế.
Những ngành học như Quản lý bệnh viện góp phần tích cực trong công tác khám chữa bệnh và đó cũng là một câu chuyện mà mọi người có thể tham khảo, có thể tự nhận định về cơ hội việc làm sau khi ra trường để đưa ra quyết định lựa chọn hay tư vấn ngành học cho con em chúng ta.
Ông Nguyễn Tấn Huy
Khoa Quản trị có chuyên ngành liên quan đến Quản trị khởi nghiệp và cá nhân tôi vô cùng hứng khởi khi đồng hành với khá nhiều cuộc thi khởi nghiệp của khoa Quản trị Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Khi tham gia các chương trình này, sinh viên sẽ có cơ hội học đi đôi với hành. Ở khía cạnh một doanh nghiệp khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi rất cần các bạn sinh viên sau khi ra trường, có thể học để mà “thực hành” tốt và như vậy thì trong thời gian bốn năm học đại học – các bạn cần phải được thực hành thật nhiều, phải có một “quá trình trong công việc”.
Đối với các bạn đang học chuyên ngành Khởi nghiệp thì cá nhân tôi, trong vai trò trưởng ban cố vấn vườn ươm khởi nghiệp Việt của Bộ KHCN, tôi sẽ hỗ trợ hết mình để các bạn có thể học đi đôi với hành và trải nghiệm nhiều công việc liên quan đến ngành học. Có thể nói, việc tham gia đại học Kinh Tế không chỉ mang đến cho tôi cơ hội để chia sẻ với các thế hệ trẻ mà còn là dịp để chúng tôi đón nhận các bạn sinh viên tốt nghiệp đại học Kinh Tế vào làm việc với doanh nghiệp của mình.
Câu 12: Trường Đại học Kinh tế TP.HCM luôn có những bước đi tiên phong, nhìn ra được bức tranh của tương lai. Là một giảng viên của Khoa Quản trị, cô Thục Hân cảm thấy như thế?
Cô Thục Hân – Khoa Quản trị
Khoa Quản trị là một phần của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và định hướng phát triển của trường cũng là định hướng phát triển của các khoa nói riêng. Hiện nay đối với khoa Quản trị, chương trình đào tạo dựa trên chương trình tiên tiến quốc tế và được tham khảo dựa trên chương trình đào tạo của top 200 trường đại học hàng đầu thế giới về lĩnh vực kinh tế và quản trị.
Đối với người học thì ngoài kiến thức ở rất nhiều lĩnh vực các thầy cô, anh chị đã chia sẻ thì không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp mà tự bản thân của khoa Quản trị, đội ngũ cựu sinh viên của khoa Quản trị cũng là những người sẵn sàng mở rộng cánh cửa tương lai cho những thế hệ sinh viên kế thừa. Khoa Quản trị đã có rất nhiều thế hệ mà các bạn hiện đang là quản lý ở những vị trí cấp cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cũng có rất nhiều các anh chị cựu sinh viên đã khởi nghiệp thành công và khoa Quản trị luôn giữ kết nối với các anh chị cựu sinh viên để tạo nên một cộng đồng cựu sinh viên – sinh viên lớn mạnh, luôn hỗ trợ cho các bạn sinh viên của khoa trong các hoạt động từ học thuật, thực tập doanh nghiệp cho đến chia sẻ giao lưu kinh nghiệm thực tế về quản lý.
Câu 13: Một sinh viên đã chia sẻ rằng “Em thấy mình hơi bị nhỏ bé trước thế giới của quản trị”. Các thầy cô có thể chia sẻ cũng như động viên tinh thần các bạn?
Cô Thanh Phương – Khoa Quản trị
Với tôi, các bạn là những sinh viên còn rất trẻ và nhiệt huyết, các bạn cũng đã – đang học trong môi trường kinh tế năng động và các thầy cô luôn hỗ trợ hết mình, truyền đạt tất cả kiến thức cũng như hỗ trợ các em, tư vấn cho các em những vị trí việc làm trong tương lai.
Cho nên, với sức trẻ và kiến thức mà các em tích lũy trong suốt những năm ngồi trên giảng đường đại học, sự hỗ trợ nhiệt thành của các thầy cô và sự đổi mới liên tục trong chương trình giảng dạy tại trường, các em sinh viên có thể hoàn toàn tự tin để mạnh dạn tiếp xúc với các vị trí việc làm ngay từ những bước đi khởi đầu. Từ đó, các em sẽ tích lũy thêm kinh nghiệm, học thêm các khóa nâng cao và dần dần về sau này, các em có thể thấy rằng mình hoàn toàn không nhỏ bé trước thế giới của quản trị và có thể thích nghi rất nhiều tình huống, rất nhiều sự đa dạng của văn hoá nghề nghiệp.
Có thể thấy trong quá trình học tập tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, các em đã được tiếp xúc với môi trường làm việc qua các đợt thực tập. Để khi ra trường và đi làm, các em sẽ mạnh mẽ hơn, có khả năng thích nghi với những tổ chức hay văn hóa khác nhau và tự tin ứng dụng những kiến thức mới về quản lý vào doanh nghiệp.
BS. CKII.Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Với tôi, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường rất năng động, đã tạo ra rất nhiều sân chơi cho các bạn là sinh viên, kể cả các bạn là cựu sinh viên của trường.
Tôi cũng rất vinh hạnh được cộng tác, tham gia giảng dạy để giúp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày càng phát triển hơn. Với những suy nghĩ, lo lắng, áp lực của một số bạn theo học ngành Quản trị, thầy cũng luôn thấu hiểu, luôn thông cảm. Tuy vậy các bạn nên xem đây là động lực để chúng ta bắt đầu chuẩn bị hành trang và khi ra trường thì hành trang này rất cần thiết cho các bạn về sau.
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Nếu các bạn học chuyên ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo thì các bạn sẽ được học tại Viện đổi mới sáng tạo mới của trường, nơi được thiết kế riêng, phù hợp với cả hai ngành Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp. Tại đây chúng ta có nguyên một vườn ươm cho dự án khởi nghiệp, các bạn sẽ gặp những người trẻ như các bạn cũng khởi nghiệp, cũng làm kinh doanh và họ cũng từ đó để học lên những nhà lãnh đạo.
Thứ hai, là chúng ta có luôn cả một hệ thống mà trong tương lai các bạn sẽ thấy đó là LAB – là nơi để bạn mô phỏng và thí nghiệm thử trong vấn đề mô hình và học tập.
Thứ ba, khi chúng ta học ở Viện đổi mới sáng tạo thì network của chúng ta đối với các mối quan hệ doanh nghiệp bên ngoài rất phong phú, ví như Quỹ đầu tư mạo hiểm, các mentor để định hướng nghề nghiệp, có thể kết nối các sự kiện lớn trong ngành để nhận thức về sự thay đổi xung quanh và đó là những điều rất hữu ích cho nhà quản trị.
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh hiện nay và tương lai sẽ nắm các sự kiện rất lớn trong lĩnh vực công nghệ. Các bạn cũng sẽ có cơ sở học tập mang tính chung như Thư viện với nguồn tài liệu lớn, các chương trình học Co-teaching – kết nối quốc tế, chuyển đổi …
Như vậy, có thể hoàn toàn tin tưởng rằng nếu chúng ta chọn vào đại học Kinh tế, vào ngành Quản trị công nghệ thì các bạn sẽ tự tin hơn và hợp thời hơn trong quá trình hoạch định nghề nghiệp của mình sau này.
Ông Nguyễn Tuấn Minh
Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi có những chương trình hỗ trợ cho các bạn sinh viên đặc biệt là các bạn học về ngành Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ví dụ như tại OneMount Group, chúng tôi vẫn tổ chức các chương trình thực tập sinh trả lương ba tháng, vào làm việc tại công ty với những dự án thực tế với các kỹ sư để được học cách quản lý và làm việc đội nhóm. Đó là một trong những bước đệm để các bạn làm quen với môi trường bên ngoài, đặc biệt là tại các công ty công nghệ đang mở ra khá nhiều tại Việt Nam.
Đặc biệt tại OneMount Group, sau khi thực tập ba tháng, nếu chứng minh được năng lực của mình, các em sẽ được tuyển dụng vào những vị trí toàn thời gian tại công ty. Đó cũng là cách mà các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng để hỗ trợ các em, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất trong nghề nghiệp.
Câu 14: Ngày nay, theo dòng chảy của những điều mới, sự đổi mới và sáng tạo, các thấy cô và anh chị có thể chia sẻ thật ngắn gọn về cách đối diện với sự thất bại?
BS. CKII. Tô Phước Hải – Khoa Quản trị
Riêng lĩnh vực Quản trị sức khỏe hay Quản trị bệnh viện thì dĩ nhiên khi các bạn qua một môi trường mới, chắc chắn ai cũng muốn mình thành công. Tuy nhiên nếu giả sử các bạn không thành công thì đầu tiên các bạn đã học được một lĩnh vực rất mới, là lĩnh vực về Y tế và từ đó, bạn có thể tư duy ra những vấn đề mới và đó cũng là hành trang giúp ích các bạn nhiều trong tương lai.
Cô Thanh Phương – Khoa Quản trị
“Thất bại là mẹ thành công”. Sau một số dự án, nếu bạn cảm thấy không được đánh giá cao thì đó cũng là điều bình thường. Khi đi làm, chúng ta luôn cố gắng hoàn thiện mình nên đối với những điều không thành công, dần dần các bạn sẽ tích lũy thành những bài học kinh nghiệm và mình sẽ có những thành công lớn hơn trong tương lai. Vì vậy, hãy cứ tiếp tục cố gắng, đam mê theo đuổi hoài bão của mình.
Thầy Phước Nghĩa – Viện Đổi mới sáng tạo
Trong ngành học Quản trị công nghệ và đổi mới sáng tạo thì thất bại là một trong những hành trình đi đến thành công. Tôi cho rằng không có khái niệm thất bại mà chẳng qua là hành trình đổi mới sáng tạo của chúng ta chưa đạt đến mục đích, chúng ta cứ làm lại, kiên trường làm lại cho đến khi nào chúng ta thành công.
Bạn Ngọc Quỳnh – Sinh viên khoa Quản trị
Chúng ta đang trong độ tuổi thanh xuân, đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân mình, nên thể nào tránh khỏi những lần vấp ngã, thất bại. Và em rất tâm đắc một câu nói mà em đã từng được nghe: “Thanh xuân sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu bạn không dám dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình và đứng lên sau những thất bại”.
► Xem thêm bộ Q&A về nhóm ngành Quản trị (tại đây)
► Xem thêm thông tin tại www.tuyensinhdaihoc.ueh.edu.vn.
Tin, ảnh: Phòng Marketing – Truyền thông, Khoa Quản trị, Viện Đổi mới sáng tạo